Xem mơ, những miền mê dụ
Xem mơ (NXB Văn học, 2018) là tập sách khá công phu của nhà thơ, nhà giáo Hồ Thế Hà. Với hơn 360 trang sách gồm 2 phần. Phần 1 - Thơ, gồm 50 bài thơ là các sáng tác những năm gần đây của tác giả. Phần 2 - Dư luận, gồm 29 bài nghiên cứu lý luận phê bình về thơ của Hồ Thế Hà trong suốt hành trình thi ca của ông.
Thơ của Hồ Thế Hà là những suy nghiệm về nỗi mình, nỗi đời với lối viết cô kết, nhiều ẩn dụ nhưng mềm mại, lãng mạn. Hồ Thế Hà như đi lạc vào giấc mơ để tìm thấy những đồng hiện của bản thể và thế giới đầy mộng mị kia. “Và tôi đã thấy/ Tôi là tôi/ Tôi là em/ Tôi là người khác/ Chúng ta đến từ những buồn vui địa đàng/ Có cả những ngọt ngào đắng cay lẫn niềm đau, hạnh phúc!/ Ta hiện hữu như một hiện sinh/ Khắc khoải, mông lung, âu lo, bất lực!” (Xem mơ). Ở trong mơ, ông có thể gặp lại những người đã khuất, trong đó có người ông yêu thương nhất ở trên đời, là mẹ: “Hằng đêm con gặp Má/ Trong giấc mơ chập chờn/ Má cười hiền như lá/ Tóc bạc rung gió đêm” (Má).
Hồ Thế Hà tâm sự: “Thi sĩ có nhu cầu sống trong mơ, bởi vì những khoảnh khắc kỳ diệu ấy đánh thức ở họ sự “bừng ngộ” về những gì đã sống qua nhưng vùi sâu vào quên lãng hoặc cả những gì còn mơ hồ, nhưng dần dần hiện lên sau bập bùng ngọn lửa của trực giác mách bảo, nó chứa cả ước mơ và dự phóng những yếu tính mà có khi, trước đó, họ chưa bao giờ nghĩ ra…”.
Có lẽ thế, mà thơ ông bàng bạc những giấc mơ, những dự phóng như sẵn sàng bắt nhịp tương thông ngay với người đọc để hòa chung một nhịp điệu. Về phương diện đó, tôi thích thơ ông ở những câu như thế này: “Con người đành tị nạn trong trái tim/ Đó là mạch sống hồng hào tinh khiết/ Nó sẽ chở che mọi linh hồn như một thế giới phẳng/ Tan chảy, êm trôi để mỗi chủ thể tự phục sinh mình” (Tị nạn).
Phần Dư luận, có nhiều bài viết khá ấn tượng của Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Lai Thúy, Thanh Thảo, Inrasara, Lê Từ Hiển, Lê Hoài Lương, Yến Thanh… Có nhiều bài viết công phu, đa dạng thể hiện nhiều cách tiếp cận. Điển hình như Mai Bá Ấn với “Hồ Thế Hà - Phía sông ngân vô thức”, Phan Tuấn Anh với “Thực hành thơ như là thực hành sống - thơ Hồ Thế Hà - một trải nghiệm chơi”, hay Nguyễn Trọng Hiếu với “Phức cảm trong Thuyền trăng của Hồ Thế Hà”…
Về phương diện nào đó, tôi khá đồng tình với nhận xét của nhà nghiên cứu Yến Thanh: “Thơ Hồ Thế Hà là thơ đọc để đồng cảm, để sống trong khoảnh khắc bừng thức, không phải để ám thị, bám riết vào đầu óc của người tiếp nhận”. (Xem mơ, xem thơ của Hồ Thế Hà – Cuộc hành trình vào cõi khác). Với Xem mơ, người đọc sẽ có cơ hội chân nhận điều đó và thả lòng mình trong những giai âm được viết nên bởi người thơ Hồ Thế Hà.
Hồ Thế Hà quê ở Phù Cát, Bình Định. Hiện ông đang sinh sống và làm việc tại Huế. Trước Xem mơ, Hồ Thế Hà từng in những tập thơ: Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996), Thuyền trăng (2013), Tơ sương (2015).
VÂN PHI