“Ðánh thức” trống kơ-toang
Trống kơ-toang là nhạc cụ đặc trưng chỉ người Chăm H’roi mới có. Không diễn tấu tập thể như cồng chiêng hay độc tấu, hòa tấu như nhiều nhạc cụ khác, kơ-toang chỉ đánh đôi. Được xem là loại trống gọi bạn, trống tự sự, trống đối thoại, trống giao duyên…, với kơ-toang, người ta không chỉ đánh trống, chơi trống mà còn múa trống, đấu trống (ảnh).
Quý mến, hòa hợp thì âm thanh, giai điệu phát ra tình cảm, vui tươi, chan hòa, ấm áp; lúc bất hòa, giận dữ thì gắt gỏng, nặng nề, lạc nhịp. Chỉ cần nghe hai người đánh trống là đoán biết tình cảm ở họ, đi theo tiếng trống mà biết sắc thái, diễn biến của câu chuyện, tâm trạng của người đang cầm trống. Thú vị là vậy nhưng đáng tiếc, kơ-toang chưa được tận dụng ưu thế, phát huy hết vẻ đẹp.
Một nghệ nhân Chăm H’roi trẻ và là cán bộ làm văn hóa khá lâu năm ở huyện Vân Canh cho biết, cả huyện giờ chỉ còn 6 người chơi thành thạo kơ-toang là các nghệ nhân: Nguyễn Thị Ngọc Hương, Đinh Văn Bằng, Đoàn Thị Thủy, Lê Minh Hải, Thanh Văn Oải và Đinh Thị Mãnh. Nguyên nhân chủ yếu vì đây là loại nhạc cụ rất khó học, khó chơi giỏi, bên cạnh đó việc đánh trống trực tiếp bằng tay (không dùng dùi) nên rất đau, mất sức, do đó ít người kiên nhẫn với nhạc cụ này.
Theo một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong tỉnh, tuy là dạng trống giao duyên nhưng vì mất sức nên chừng hơn 10 năm trước, ở Vân Canh không có người chơi trống nào thuộc nữ giới. Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương được xem là phụ nữ đầu tiên biết chơi nhạc cụ này. Từ đây, tính chất giao duyên, thổ lộ tình yêu đôi lứa ở trống kơ-toang mới được thể hiện trọn vẹn hơn, nhạc cụ này cũng trở nên hấp dẫn hơn. Và như đã kể ở trên, hiện tại, Vân Canh đã có thêm vài nghệ nhân nữ trẻ hơn chơi được trống kơ-toang.
Toàn huyện chỉ 6 người biết chơi kơ-toang, dẫu thống kê này có thể còn thiếu sót thì vẫn là con số rất ít ỏi so với một nhạc cụ “đại diện” cho người Chăm H’roi Vân Canh. Mong kơ-toang sớm được người Chăm H’roi Vân Canh “đánh thức”.
SAO LY