Sức bật của nghệ sĩ trẻ sân khấu cải lương
Từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động tổ chức và biểu diễn. Thế nhưng, trong điều kiện ấy, một lực lượng nghệ sĩ trẻ vẫn luôn bám trụ với nghề, góp sức giữ nghề bằng tất cả niềm tin, tình yêu, đam mê và nhiệt huyết dành cho sàn diễn sân khấu truyền thống.
Những tài năng đang độ chín
Chưa lúc nào sức bật mãnh liệt của lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ sân khấu cải lương lại thể hiện rõ rệt như trong Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Dõi theo sân chơi của người làm nghề chuyên nghiệp này, thấy ngay nhiều gương mặt trẻ thực tài đã ghi điểm với ban giám khảo và khán giả về ca diễn, hóa thân, thăng hoa với các nhân vật. Trong nhiều khoảnh khắc ấn tượng, khán giả lặng người, ánh mắt không thể rời nghệ sĩ, những cung bậc xúc cảm cứ trào dâng theo thân phận các nhân vật.
NSƯT Tấn Giao trong vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc vở Tổ quốc nơi cuối con đường
Trong vở Hiu hiu gió bấc, khán giả thấy một Lê Thanh Thảo xuất thần với vai dì Lan - người con gái quê nghèo bị khinh miệt ngay trong gia đình chồng giàu sang. Đặc biệt, cảnh dì Lan nhớ lại quá khứ, Thanh Thảo đã lột tả được một đoạn đời làm dâu nhiều cay đắng, tủi nhục, gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Cũng trong vở này, một Điền Trung chững chạc trong vai anh Hết - chàng trai nghèo, chân chất, dành cho người yêu cả trái tim và tấm lòng mở rộng. Cách ca diễn, lột tả nhân vật có chiều sâu tâm lý, chín chắn đã giúp Điền Trung tỏa sáng trên sàn diễn. Khán giả mộ điệu còn một lần nữa bị cuốn hút với cặp đôi nghệ sĩ trẻ này qua vai diễn Phạm Cự Lượng và Tố Quyên trong Thái hậu Dương Vân Nga.
Trong vở Thành phố buổi bình minh, NSƯT Lê Tứ ghi điểm với vai chú Tư - một cán bộ lãnh đạo cấp cao của TPHCM, khẳng khái, chính trực, nhiệt thành, khéo léo giải quyết những khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội giai đoạn đầu đất nước thống nhất. Đây là một vai diễn khó, nặng tính chính trị, đòi hỏi cao ở người nghệ sĩ về đài từ, phong thái thể hiện.
Trong vở Rạng ngọc Côn Sơn, nghệ sĩ Trinh Trinh hóa thân vào nhân vật lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Bằng lối diễn xuất nội tâm, tinh tế, nhiều cảm xúc, cô đã thuyết phục được người xem. Nữ nghệ sĩ đồng thời cũng khiến khán giả rơi lệ khi thủ vai nàng Thanh trong vở Hồn của đá.
Những nghệ sĩ như: NSƯT Tấn Giao, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Lê Hồng Thắm, Thy Phương, Minh Trường… (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Vũ Luân (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc); Mỹ Hạnh, Hồng Nhiên (Nhà hát Cao Văn Lầu); NSƯT Hồ Ngọc Trinh (Đoàn Cải lương Long An); Hoa Phượng (Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Cà Mau - Hội Sân khấu Việt Nam); Thanh Nhường (Đoàn Văn công quân khu 9); Nhơn Hậu (Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang); Thành Vinh, Đông Nguyên (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai)… cũng đón nhận nhiều tình cảm nồng nhiệt của khán giả từ các vai diễn.
Đầu tư và phát triển đội ngũ làm nghề
Những gương mặt nghệ sĩ trẻ sáng giá tại liên hoan cải lương năm nay đã đáp ứng cho sàn diễn nghệ thuật truyền thống cả về sắc vóc và nội lực. Đây chính là nguồn nhân lực quý cho việc phát triển sân khấu cải lương. Họ rất cần được tạo thêm điều kiện để làm nghề, phát huy tài năng, làm tươi mới, sôi nổi hoạt động tổ chức và biểu diễn nghệ thuật cải lương tại TPHCM và các tỉnh thành. Cấp thiết phải có một chế độ đãi ngộ tốt hơn nữa để dàn nghệ sĩ trẻ an tâm bám trụ với nghề, đưa nghệ thuật truyền thống vào trong đời sống xã hội.
NSƯT Tấn Giao tâm sự: “Làm thế nào để thế hệ sau này nhìn thấy sự phát triển của sân khấu mà mạnh dạn dấn thân, cùng chung sức bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc. Từ liên hoan cũng cho thấy, cần thiết phải xây dựng thêm những sân chơi cải lương chuyên nghiệp dành cho nghệ sĩ, đó là những sàn diễn thực hành bổ ích, giá trị, cũng là một hình thức đào tạo chính quy, mang tính nghề truyền nghề, giúp các nghệ sĩ trẻ có được nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao chuyên môn”.
Theo THÚY BÌNH (SGGP)