Phát hiện khảo cổ chấn động ở Tây Nguyên
Sau hàng trăm năm với rất nhiều các cuộc khai quật, lần đầu tiên Việt Nam tìm được di cốt người trong hang động núi lửa tại Đăk Nông, Tây Nguyên. Các nhà khảo cổ đang tiến hành giám định thành phần chủng tộc người, phân tích niên đại tuyệt đối, bào tử phấn hoa... để phác dựng cuộc sống của cư dân tiền sử.
Hiện vật tìm được tại các hố khai quật tại Tây Nguyên
Ngày 18.9, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tổ chức công bố phát hiện khảo cổ chấn động tìm thấy di cốt người tiền sử ở Tây Nguyên.
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, trong đợt khai quật năm 2018 tại hang động núi lửa Krong Nô, tỉnh Đắk Nông, các nhà khoa học đã thu được những kết quả rất quan trọng với nhiều di vật được phát hiện như đồ đá, đồ gốm, răng xương động vật. Đặc biệt là tìm thấy di cốt của người tiền sử có niên đại cách đây 7.000 năm.
Theo ông Nguyễn Trung Minh, việc phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên ở hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Đặc biệt, đối với giới khoa học, đây là phát hiện chấn động bởi hệ thống hang động núi lửa Krong Nô là một trong những hang động núi lửa lớn nhất và duy nhất phát hiện dấu tích sự sống của con người thời tiền sử ở Đông Nam Á và rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.
Chia sẻ về hành trình tìm thấy di cốt người tiền sử, PGS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết, 3 di cốt người đã được tìm thấy trong hang động núi lửa gồm 2 di cốt người trưởng thành và một di cốt trẻ em khoảng 4 tuổi, sống ở niên đại cách đây khoảng 7.000 năm. Phát hiện này, mở ra một chương mới trong ngành nhân cổ học Việt Nam. “Trước đây, chúng ta tìm kiếm được rất nhiều công cụ của người cổ đại tại Tây Nguyên nhưng chưa bao giờ tìm được di cốt của người do môi trường núi lửa. “Tôi đã gửi thư cho các nhà khảo cổ có uy tín ở 5 nước có nhiều thành tựu về khảo cổ trên thế giới. Họ đều cho biết, đây là phát hiện cực kỳ hiếm gặp, họ chưa từng thấy”, PGS Nguyễn Lân Cường cho biết.
Đây cũng là chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông và đây sẽ là điểm tham quan thú vị cho du khách.
Việc phát hiện ra di cốt của người tiền sử là kết quả của Đề tài nghiên cứu giá trị di sản hang động , đề xuất xây dựng bảo tàng tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa Krong Nô, tỉnh Đắk Nông do TS La Thế Phúc thuộc Bảo Tàng thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm.
Kết quả khảo cổ cho thấy, cư dân tiền sử đã chọn một số hang động núi lửa phục vụ cho những mục đích khác nhau. Hang C6.1 được người xưa cư trú lâu dài, tầng văn hóa dày 1,85m, phản ánh nhiều giai đoạn khác nhau. Đây là di tích khảo cổ có địa tầng dày nhất được phát hiện ở Tây Nguyên. Vết tích còn sót lại đều là xương, răng động vật hoang dã do con người săn bắt và vứt lại sau bữa ăn.
Thời gian tới, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, địa phương và cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu chi tiết để bổ sung loại hình cư trú mới của cư dần tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên và hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo TS La Thế Phúc, cần có hành lang pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ hang động núi lửa độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Những kết quả khai quật ở đây mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, phân tích ADN, giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây, phân tích niên đại tuyệt đối, bào tử phấn hoa... để phác dựng cuộc sống của cư dân tiền sử.
Bên cạnh đó, hiện vật khai quật cần được bảo quản, lưu giữ trong điều kiện tối ưu để sử dụng lâu dài, những hiện vật quý hiếm, độc bản cần được chế tác thành nhiều phiên bản để phục vụ công tác trưng bày, bảo tồn, khai thác phát triển.
Theo Thu Cúc (Chinhphu.vn)