Hạn chế tiêu cực trong đấu giá tài sản
Sau hơn một năm thực hiện Luật Ðấu giá tài sản, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng cò mồi, thông đồng, dìm giá vẫn là bài toán khó giải.
Cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở khu dân cư tổ 3 Kim Châu, phường Bình Định, TX An Nhơn được tổ chức ngày 18.9.
Tăng lượng, nâng chất
Từ khi triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ ngày 1.7.2017) cho tới nay, công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản (ĐGTS) trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với các địa phương trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá. Từ đó, đảm bảo tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia và mua được tài sản đấu giá, hạn chế tình trạng tiêu cực.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng tích cực triển khai Đề án “Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên (ĐGV) giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Cụ thể, đã tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ ĐGV; kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ phát triển đội ngũ ĐGV, tổ chức ĐGTS trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 10 tổ chức ĐGTS, gồm 1 trung tâm dịch vụ ĐGTS, 9 DN ĐGTS (tăng 4 DN so với năm 2013), 20 ĐGV hành nghề (tăng 6 ĐGV). Theo đánh giá của Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), đi cùng số lượng, chất lượng của đội ngũ ĐGV ngày một tăng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bán ĐGTS trên địa bàn tỉnh. Các ĐGV đều có trình độ đại học, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, phục vụ tốt cho khách hàng.
“Tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá từng bước được nâng lên. Đội ngũ ĐGV ngày càng nâng cao vị trí, vai trò của mình, tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu dịch vụ. Chủ trương xã hội hóa được đẩy mạnh và vai trò quản lý của nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán ĐGTS tiếp tục được tăng cường”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan nhận định.
Chưa hết cò mồi, thông đồng, dìm giá
Dù đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, sau một năm triển khai thi hành Luật ĐGTS vẫn còn một số bất cập, khó khăn. Tại khoản 1, điều 39 Luật ĐGTS quy định “Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức ĐGTS mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”. Quy định này gây khó khăn cho việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện miền núi, các huyện cách xa TP Quy Nhơn. Các địa phương này có ít chi nhánh của các ngân hàng thương mại; người dân khó khăn khi nộp tiền và nhận lại tiền đặt trước tại ngân hàng, do đó còn e ngại, ít tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, Luật ĐGTS cũng chưa quy định thống nhất cơ quan làm đầu mối giúp UBND cấp huyện quản lý có hiệu quả hoạt động ĐGTS, gây khó khăn cho công tác quản lý, khó có thông tin chính xác, kịp thời.
Đáng chú ý, tình trạng cò mồi, thông đồng, dìm giá trong ĐGTS diễn biến ngày càng phức tạp nhưng Luật chưa có những quy định, biện pháp khắc phục hiệu quả. Tổng Giám đốc Công ty TNHH ĐGTS Đông Dương Lê Việt Hùng nêu một thực tế là ĐGV có quyền cho dừng cuộc đấu giá để xác định hành vi thông đồng, dìm giá khi có nghi ngờ. “Tuy nhiên, trên thực tế rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Bởi, hành vi thông đồng rất tinh vi, khó có bằng chứng; nếu xác định không có vi phạm, ĐGV có thể bị người tham gia đấu giá “kiện” vì ảnh hưởng quyền lợi của họ”, ông Hùng lý giải.
Để hạn chế tình trạng này, khi điều hành cuộc đấu giá, các ĐGV yêu cầu người tham gia phải bốc thăm số thứ tự, bố trí hợp lý khu vực đấu giá; đảm bảo họ không được trao đổi thông tin trong quá trình đấu giá.
Thêm một vấn đề được nhiều ĐGV quan tâm là không nên quy định “trần” thù lao đấu giá. Theo Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS, từ ngày 1.7.2017 mức thù lao tối thiểu cho một hợp đồng dịch vụ ĐGTS là 1 triệu đồng/hợp đồng. Mức thù lao tối đa dịch vụ ĐGTS tương ứng khung giá trị tài sản, nhưng không được vượt quá 300 triệu đồng/hợp đồng. Bỏ “trần” thù lao đấu giá sẽ khuyến khích các DN tích cực áp dụng các giải pháp để tăng giá trúng đấu giá, đồng thời hạn chế tình trạng ĐGV “ngó lơ” trước các biểu hiện thông đồng, dìm giá.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Dịch vụ ÐGTS và các DN đã ký kết được 98 hợp đồng; bán đấu giá thành là 874 cuộc. Tổng giá khởi điểm là gần 490 tỉ đồng, tổng giá bán là gần 549 tỉ đồng. Tổng số tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá là gần 1,5 tỉ đồng, tổng số thù lao đấu giá thu được hơn 1,5 tỉ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước và nộp thuế gần 129 triệu đồng.
NGUYỄN VĂN TRANG