Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên vùng
Chuỗi sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018 (sau đây gọi chung là Techfest vùng) diễn ra tại TP Quy Nhơn, từ ngày 24 - 28.9.2018. Với hai tiêu điểm chính là hội thảo và cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp, Techfest được kỳ vọng là khởi đầu cho liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng.
Với Techfest vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018 diễn ra tại TP Quy Nhơn, các dự án khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh sẽ có thêm cơ hội chia sẻ, học hỏi, tiếp cận với các nhà đầu tư.
- Trong ảnh: Dự án khởi nghiệp “Rau sạch Chân nhân” - một trong những dự án của Bình Định tham gia cuộc thi Techfest vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018.
Techfest vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018 là sự kiện do Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp Sở KH&CN tỉnh Bình Định tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây cũng là sự kiện nhằm lan tỏa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia và quốc tế tới từng địa phương, từng vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, liên kết các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong vùng; đồng thời, là tiền đề tiến tới “Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm 2018”.
Với quy mô cấp khu vực, chuỗi sự kiện sẽ bàn thảo về các giải pháp thúc đẩy liên kết các thành phần của hệ sinh thái vùng (DN khởi nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp...) với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế; tạo dựng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ĐMST của các bạn trẻ tại địa phương.
Đến thời điểm này, Bình Định đã sẵn sàng cho các hoạt động của chuỗi sự kiện. Sáng 19.9, Tổ công tác tổ chức sự kiện tại Bình Định, do Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà làm tổ trưởng đã có cuộc họp rà soát lần nữa các khâu chuẩn bị cho sự kiện. Thông tin từ đơn vị tổ chức, đã có 26 dự án khởi nghiệp ĐMST đến từ 6 tỉnh trong khu vực đăng ký tham gia cuộc thi, trong đó, Bình Định áp đảo với 11 dự án; tiếp theo là Quảng Nam 7 dự án; Gia Lai 3 dự án; Lâm Đồng 3 dự án; Kon Tum 1 dự án và Ninh Thuận 1 dự án.
Điều khác biệt của cuộc thi là trước khi bước vào vòng thi chính thức, hoạt động hỗ trợ khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng khởi nghiệp sẽ được tổ chức cho các tác giả và nhóm tác giả có dự án dự thi. Bên cạnh hai hoạt động chính của sự kiện, Techfest vùng năm 2018 cũng sẽ diễn ra triển lãm sản phẩm của các dự án khởi nghiệp ĐMST.
“Với chuỗi các hoạt động như cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp ĐMST và hội thảo bàn giải pháp liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng được tổ chức, là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức DN ở Bình Định gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp ĐMST với các nhà quản lý, nhà khoa học, các DN các tỉnh, thành trong vùng”, ông Nguyễn Hữu Hà cho hay.
Có thể nói, với sự kiện này, các dự án khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh sẽ có thêm sự cọ xát, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư cho dự án; trong đó, đáng chú ý là 2 dự án từng lọt vào danh sách tỉnh hỗ trợ chương trình ươm tạo DN khởi nghiệp năm 2017 gồm: dự án “Bánh ít lá gai” - Nguyễn Thị Hồng Son, “Rau sạch Chân nhân” - Trần Linh Thùy. Háo hức với ý tưởng đưa sản phẩm đặc trưng truyền thống của tỉnh là bánh ít lá gai “đi xa” hơn, chị Nguyễn Thị Hồng Son (TP Quy Nhơn) đã khởi nghiệp bằng dự án sản xuất sản phẩm trên nền tảng công nghệ. “Tham gia cuộc thi vùng lần này, tôi mong muốn được quảng bá rộng rãi hơn và trình làng những sản phẩm đầu tiên của dự án. Qua đó, tôi có thể kết nối với các nhà đầu tư, chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm dự án khởi nghiệp của mình”, chị Son chia sẻ.
Bình Định bắt tay vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST từ năm 2016, với các hoạt động chủ yếu là đào tạo, tập huấn, tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội về khởi nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đầu năm 2018, Bình Định tham gia vào mạng lưới các câu lạc bộ khởi nghiệp của miền Trung - Tây Nguyên... Những hoạt động đó bước đầu góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Hà, khởi nghiệp ĐMST khá mới mẻ và khó, bởi gắn liền với tài sản trí tuệ, gắn với ĐMST để tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, có tính vượt trội và khác biệt. Nó mang lại sự đổi mới về chất lượng, giá trị và hiệu quả nhưng cũng đầy rủi ro, khó khăn. “Chính vì vậy, việc hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngoài việc đòi hỏi sự dấn thân, đam mê và chấp nhận thất bại, rủi ro của cá nhân, DN thì rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp về chính sách, môi trường đầu tư và sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà khoa học, DN tiên phong. Với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST còn “non trẻ” như Bình Định, Techfest vùng lần này rất quan trọng để tỉnh tập hợp lực lượng nội tại và liên kết vùng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST”, ông Hà nhấn mạnh.
MAI HOÀNG