Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: Giải pháp phát triển du lịch huyện Tây Sơn
Ðịnh hình sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm, dịch vụ và quà lưu niệm… là giải pháp cụ thể nhằm đưa ngành du lịch Tây Sơn phát triển.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Theo UBND huyện Tây Sơn, toàn huyện có 20 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia là Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt và cụm tháp Dương Long; cùng nhiều danh thắng khác. Để phục vụ du khách, phát triển DL, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích, xây dựng hạ tầng các điểm DL với tổng kinh phí gần 500 tỉ đồng.
Khu DL sinh thái Hầm Hô (tại xã Tây Phú, Tây Sơn) là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách.
- Trong ảnh: Bến đò Hầm Hô.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 10 khách sạn, 18 nhà nghỉ với 400 phòng lưu trú, công suất hoạt động 45%; 50 nhà hàng, cơ sở phục vụ ẩm thực, giải khát; 2 đơn vị hoạt động DL, trong đó có Công ty CP DL Hầm Hô hoạt động chuyên nghiệp. Ngành thương mại dịch vụ và DL đóng góp 12% vào tổng thu ngân sách toàn huyện, tăng trưởng bình quân 16,2%/năm.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nhìn nhận: Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển DL, song do còn thiếu kinh nghiệm quản lý, tổ chức khai thác, thiếu sản phẩm DL đặc trưng… nên ngành DL huyện chưa thu hút nhiều du khách, giá trị sản phẩm của ngành DL chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Theo Sở Du lịch, trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Tây Sơn nằm trong cụm DL Tây Sơn và vùng phụ cận, với thị trấn Phú Phong là hạt nhân cụm DL phía Tây của tỉnh. Hiện nay, Tây Sơn chỉ xếp sau Quy Nhơn về lượng khách DL tới tham quan hàng năm. Song, vì thiếu các sản phẩm DL hấp dẫn, khách chủ yếu đến tham quan, chưa lưu trú, ít phát sinh chi tiêu, do đó chưa tạo được giá trị kinh tế cho ngành DL địa phương.
Giải pháp cụ thể
Phát biểu tại Hội thảo phát triển sản phẩm DL Tây Sơn- Bình Định do UBND huyện Tây Sơn vừa tổ chức, ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, vấn đề đặt ra với ngành DL Tây Sơn là việc “giữ chân” du khách bằng các sản phẩm DL đặc trưng, hấp dẫn. Điểm mạnh của Tây Sơn là các sản phẩm DL lịch sử - văn hóa và DL cộng đồng. Huyện Tây Sơn cần chủ động phối với Sở Du lịch, Hiệp hội DL tỉnh, các DN lữ hành… tổ chức khảo sát các điểm đến nhằm có cái nhìn tổng thể trong quy hoạch phát triển DL, xây dựng các tour DL mới mang đậm sắc thái địa phương. Đồng thời nâng cấp hạ tầng, dịch vụ các điểm tham quan; kết nối với các địa phương lân cận như huyện Vĩnh Thạnh, TX An Khê (Gia Lai) nhằm tạo sự đa dạng trong tour, tuyến DL, tăng thời gian lưu trú của du khách.
Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Giám đốc Công ty DL Miền Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh - góp ý: Tây Sơn có điều kiện khai thác DL 4 mùa phù hợp du khách nhiều quốc tịch khác nhau. Bên cạnh xây dựng sản phẩm DL đặc trưng, huyện nên chú trọng về dịch vụ, sản phẩm lưu niệm liên quan đến vua Quang Trung, nhà Tây Sơn… nhằm tăng hoạt động chi tiêu của du khách khi tới đây.
Còn theo bà Hoàng Thị Thu Sen, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Quy Nhơn, để các DN lữ hành đưa khách đến Tây Sơn nhiều hơn, để du khách có thêm lựa chọn, địa phương cần làm mới các sản phẩm DL, tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm DL đặc trưng của huyện về các loại hình văn hóa - lịch sử, sinh thái, ẩm thực…
Chủ tịch UBND huyện Đỗ Văn Sỹ đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, cho biết huyện sẽ xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm DL đặc trưng của huyện; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai quy hoạch phát triển DL của huyện.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: Để phát triển ngành DL thành ngành kinh tế trọng tâm của huyện, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, gắn phát triển DL với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, người dân phải được hưởng lợi từ DL. Trước mắt, huyện chủ động nguồn ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ DL; kiến nghị, đề xuất lên UBND tỉnh những vấn đề liên quan về phát triển DL của huyện phù hợp với quy hoạch phát triển DL chung của toàn tỉnh.
THU DỊU