Công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán
Sáng 21.9, TAND TC tổ chức công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán do Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành.
Sáng nay (21.9), Toà án nhân dân Tối cao tổ chức công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán do Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành. Việc ban hành bộ quy tắc này với những quy định cụ thể được xem là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển của ngành Toà án nước ta.
Ngày 4.7.2018, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình ký quyết định ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Bộ quy tắc này được xây dụng trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật cán bộ, công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, các đạo luật về tố tụng... và tham khảo có chọn lọc quy định trong bộ quy tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002, Hiến chương Thẩm phán Toàn cầu...
Bộ quy tắc mới được ban hành này gồm 3 chương, 17 điều, trong đó, những quy định về đạo đức đối với Thẩm phán bao gồm, tính độc lập, sự liêm chính, sự vô tư khách quan, sự công bằng và bình đẳng, sự đúng mực, sự tận tuỵ và không chậm trễ, năng lực và chuyên cần. Từ điều 10 đến điều 17 là những quy định về quy tắc ứng xử của Thẩm phán.
Cụ thể là ứng xử của thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ, ứng xử tại cơ quan, ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn báo chí, ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, ứng xử tại nơi cư trú, ứng xử tại gia đình, ứng xử ngoài xã hội và ứng xử với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử....
Theo ông Chu Thành Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý Khoa học, Bộ quy tắc là cuốn cẩm nang ghi nhận một cách hệ thống những chuẩn mực đạo đức quy tắc ứng xử của mỗi thẩm phán nước ta.
Ông Quang nhấn mạnh, "bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán vừa được ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, các quy định trong bộ quy tắc không phải là sự sao chép lại các quy định của luật mà là ghi nhận một cách hệ thống những thành tố hình thành lên đạo đức của người thẩm phán, những ứng xử của người thẩm phán phải thực hiện để giữ gìn phẩm giá của mình".
Ông Quang nói thêm, Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách của thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của thẩm phán rất cao quý. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu các thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các thẩm phán phải trở thành biểu tượng của thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thẩm phán phải: phụng công, thủ pháp, chí công vô tư và gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.
Ông Nguyễn Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tham dự lễ công bố phát biểu, "việc ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán là cụ thể hóa chương trình hành động nghị quyết số 04 của BCH TW khóa XII. Tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí phổ biến rộng rãi bộ quy tắc này và theo dõi, giám sát quá trình thực hiện theo bộ quy tắc của các thẩm phán. Trong bối cảnh đất nước đang triển khai mạnh mẽ các chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp; xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kiện toàn công tác cán bộ, việc ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán là hết sức có ý nghĩa".
Theo Lê Bình (VOV)