Tai nạn chết người trong các hầm tàu: Ðừng để nỗi đau tái diễn
Thời gian qua, tại cảng biển trong tỉnh, các vụ tai nạn lao động thương tâm ở các hầm tàu đã liên tục xảy ra, làm nhiều công nhân thiệt mạng. Môi trường làm việc dưới các hầm tàu rất nguy hiểm nhưng nhiều đơn vị, cá nhân vẫn còn chủ quan.
Ba thuyền viên trên tàu Thành Công 98 đang neo đậu bốc dỡ hàng tại cầu cảng của Công ty CP Tân cảng miền Trung đã tử vong khi vừa vào vệ sinh một hầm tàu.
Tử vong rất nhanh
Vụ tai nạn mới đây nhất xảy ra vào lúc gần 1 giờ sáng ngày 16.9, tại hầm hàng số 2 (trên tàu Uni Fortune, quốc tịch Panama) đang vào Cảng Quy Nhơn để lấy dăm gỗ, khiến 2 công nhân tử vong. Những người chứng kiến cho biết, trước khi xếp hàng dăm gỗ bạch đàn vào hầm tàu, 2 công nhân cùng xuống hầm tàu đã bị ngạt thở, ngất xỉu. Sau khi phát hiện vụ việc và lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thì họ đã tử vong. Vụ việc diễn biến rất nhanh và khá bất ngờ. Đáng lưu ý là tàu Uni Fortune có 6 hầm tàu, trong đó 4 hầm đã được xếp hàng, hầm số 2 - nơi 2 công nhân tử vong - đã được làm vệ sinh sạch sẽ và kiểm tra an toàn trước khi cho xếp hàng, nhưng khi công nhân xuống hầm thì vẫn bị tai nạn. Ông Lại Huy Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Quy Nhơn, thừa nhận: “Từ lúc công nhân bị nạn đến lúc đưa được lên bờ mất khoảng 45 phút. Từ trước đến nay, tại cảng chưa bao giờ xảy ra những trường hợp như thế này; riêng tàu Uni Fortune đã 4 lần vào cảng Quy Nhơn bốc xếp dăm gỗ bạch đàn vẫn bình thường. Lúc xảy ra tai nạn, vì không có trang thiết bị bảo hộ về tai nạn thiếu khí nên không ai dám xuống, phải chờ lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp”.
Trước đó, vào giữa tháng 4.2018, một vụ việc tương tự cũng xảy ra. Ba thuyền viên tàu Thành Công 98 đang neo đậu bốc dỡ hàng tại cầu cảng của Công ty CP Tân cảng miền Trung cũng đã tử vong khi vừa vào vệ sinh một hầm tàu. Điểm chung của các vụ tai nạn trong hầm tàu là công nhân gặp nạn tử vong rất nhanh, những người phát hiện công nhân ngộ độc thiếu bình tĩnh xử lý, lao xuống cứu người cũng bị nạn theo.
Theo Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do nhiều công việc trên tàu được tiến hành trong không gian kín, thiếu ôxy, không được thông gió thường xuyên và bầu không khí trong đó tiềm ẩn các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn chết người như: có sự xuất hiện của khí độc, chất gây cháy; hạn chế lối thoát; không đủ hàm lượng ôxy cần thiết cho hô hấp do các khí nặng khác chiếm chỗ trong không khí.
Tăng cường trách nhiệm, tuân thủ quy trình
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CA tỉnh), sự thiếu trách nhiệm trong hướng dẫn và tuyên truyền cho công nhân xuống làm việc trong các hầm tàu sâu và tối, không hướng dẫn nhân viên dùng máy đo nồng độ có sự sống trong hầm trước khi vào làm việc là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm tại các hầm tàu có trọng tải lớn. Từng trực tiếp chỉ huy cứu nạn vụ 3 thuyền viên bị nạn trên tàu Thành Công 98, đại tá Huỳnh Văn An, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Trong cứu nạn, cứu hộ, trong vòng 30 giây nếu lượng khí ôxy cung cấp không đủ đã có thể khiến người bình thường bị ngất, tối đa 3 phút là tử vong. Nên khi người đầu tiên xuống hầm tàu bị ngạt, ngất tại chỗ, thì 2 người kế tiếp xuống cứu cũng vậy. Riêng thuyền trưởng, khi nghe anh em bị nạn cũng xuống cứu nhưng vừa xuống tới cửa hầm tàu cũng bị ngạt, nhưng cố gắng quay lên được”.
Hiện nay, những tàu chở hàng cập vào các cảng ở TP Quy Nhơn đều có trọng tải rất lớn, các hầm sâu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, điều quan trọng nhất là chủ tàu không được chủ quan; bởi nếu bất cẩn, những vụ tai nạn gây tử vong như trên sẽ khó tránh khỏi.
Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh, lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, nhìn nhận: “Sau các vụ tai nạn lao động trong các hầm tàu, Sở đã đề nghị các chủ tàu vận tải đường thủy phải tổ chức huấn luyện về ATLĐ, VSLĐ và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, thuyền viên. Đồng thời, phải kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có nguy hại đối với công việc, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên tàu để xây dựng nội quy, quy trình làm việc đảm bảo ATVSLĐ phù hợp. Đối với các DN có bố trí người lao động làm việc trên tàu, ngoài thực hiện các nhiệm vụ của chủ tàu, thì chỉ cho phép những lao động đã được huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ làm việc. Còn đối với người lao động, phải chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về ATVSLĐ trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể”.
Tai nạn do thiếu ôxy
Làm việc trong hầm tàu được xem là làm việc trong không gian hạn chế, một trong những nguyên nhân gây tai nạn phổ biến là do thiếu ôxy. Do vậy, khi làm việc ở không gian này phải tuân thủ quy định về an toàn như: Trước khi làm việc cần kiểm tra nồng độ ôxy, khí độc, khí dễ cháy và việc kiểm tra phải được tiến hành ngay trước khi bắt đầu công việc hoặc sau khi công việc bị gián đoạn hoặc ngừng. Phải lấy đủ mẫu để đảm bảo rằng các kết quả đo được là đại diện cho trạng thái của cả không gian kín đó. Ðồng thời, trước khi làm việc cần chạy máy thông gió để duy trì nồng độ ôxy trên 18% và người lao động phải sử dụng dụng cụ bảo vệ hô hấp như máy hô hấp độc lập, mặt nạ dưỡng khí khi xuống hầm tàu làm việc.
Tiến sĩ NGUYỄN LÊ TUẤN, Trưởng khoa Hóa (ĐH Quy Nhơn)
HỒNG PHÚC