BVÐK khu vực Phú Phong ngừng chạy thận nhân tạo: Thêm áp lực cho BVÐK tỉnh
Từ đầu tháng 8.2018, BVÐK khu vực Phú Phong (Tây Sơn) tạm dừng phục vụ các bệnh nhân chạy thận nhân tạo. 16 bệnh nhân ở đây phải xuống BVÐK tỉnh điều trị, điều này càng khiến tình trạng quá tải ở Khoa Nội thận - Lọc máu thêm nặng nề.
Bệnh nhân chạy thận đông khiến áp lực đè nặng lên đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh).
Khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) thường xuyên tiếp nhận trên dưới 340 bệnh nhân suy thận đến chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân này ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả từ các tỉnh lân cận như: Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk… Trung bình mỗi bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần, trong khi khoa hiện chỉ có 54 máy chạy thận, với nhiều niên hạn khác nhau, một số máy cũ quá, thỉnh thoảng lại hỏng hóc nên hầu như không thể vận hành cùng lúc toàn bộ hệ thống. Do đó, việc sắp xếp sao để phục vụ bệnh nhân là bài toán khó.
Khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) bố trí tổng cộng 24 điều dưỡng, kỹ thuật viên đảm trách việc vận hành máy, phục vụ bệnh nhân chạy thận, được chia làm 2 ca trực (từ 6 giờ 30 phút sáng đến 13 giờ 30 phút chiều, ca tiếp theo làm việc đến khoảng 22 giờ đêm).
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Dũng, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, tính luôn cả 16 bệnh nhân vừa kể, trung bình mỗi ngày khoa phải giải quyết cho hơn 150 bệnh nhân chạy thận. May mà giữa tháng 9.2018 được bổ sung thêm 10 máy mới. Có máy nhưng chưa có giường, chúng tôi phải tận dụng giường cũ, sửa chữa để dùng tạm trong khi chờ có giường mới. Thêm 16 bệnh nhân nhưng chúng tôi đã phải bố trí thêm ca 4 mới tạm ổn”.
Điều dưỡng trưởng khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) Nguyễn Thị Thùy Lam cho biết: “Khi được bổ sung thêm 10 máy, số bệnh nhân được chạy cùng lúc tăng lên. Tăng máy, tăng bệnh nhân nhưng số người trực không tăng nên áp lực công việc vẫn nặng. Dù vậy, kể từ khi có thêm máy mới, nhân viên của khoa cũng được nghỉ sớm hơn 1-2 giờ so với khi mới nhận thêm lượng bệnh nhân từ Tây Sơn và chưa có máy mới”.
Lịch chạy thận tại khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) gần như kín hết cả 3 ca. Do đó, hầu hết bệnh nhân từ BVĐK khu vực Phú Phong đều phải dồn về ca 4 (bắt đầu từ 17-18 giờ hàng ngày). Kết thúc đợt chạy thận mỗi ngày cũng là lúc đêm xuống, xe buýt, xe khách đều không còn hoạt động, phương tiện trở về của họ chủ yếu là xe máy. Với người bình thương đã vất vả, người đang mang bệnh còn khó khăn hơn, đó là chưa kể phải cần thêm một người nhà chạy đi chạy về. Thấu hiểu được những gian truân đó, một số bệnh nhân ở TP Quy Nhơn đã chủ động đổi ca để giúp “bạn của mình” về sớm hơn.
Bị suy thận từ 9 năm qua, bà Nguyễn Thị Tám (SN 1966, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, 1 trong 16 bệnh nhân chạy thận chuyển từ Tây Sơn xuống Quy Nhơn) phải lọc thận 3 lần/tuần. Nhà neo người, chỉ có hai vợ chồng, trong khi ông bị hỏng một mắt nên việc mỗi tuần 3 lần chạy đi chạy về luôn là nỗi ám ảnh.
Bà Tám bộc bạch: “Lịch chạy thận của tôi là thứ 3-5-7 hàng tuần, ban đầu, vào những ngày đó tôi phải chạy xuống rồi về trong đêm. Có hôm giữa đường xe hỏng hóc, xẹp lốp, cực không thể tả. Biết hoàn cảnh của tôi, điều dưỡng khoa linh động bố trí cho 1-2 buổi ca sáng. Tôi cũng quyết định ở lại trong chòi dựng tạm gần Nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận trong khuôn viên BVĐK tỉnh (vì Nhà lưu trú đã kín chỗ - NV), cuối tuần mới về nhà. Chỉ mong BVĐK khu vực Phú Phong sớm phục vụ chạy thận trở lại để chúng tôi được gần nhà, chứ như thế này thì cực quá!”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Văn Hóa, Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong, việc kiểm tra, lắp đặt hệ thống nước phục vụ chạy thận vẫn phải mất một thời gian nữa mới hoàn thiện. Trước đây, việc vận hành hệ thống máy lọc thận của chúng tôi khá ổn. Nhưng từ sau sự cố ở Hòa Bình, Bộ Y tế đã “siết” quy định, nên chúng tôi phải đáp ứng đúng yêu cầu, được cấp giấy chứng nhận mới có thể hoạt động trở lại”.
“Một số bệnh viện trên địa bàn TP Quy Nhơn như: Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Viện Quân y 13, BVÐK tỉnh (phần mở rộng) cũng có kế hoạch đưa máy lọc thận vào phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải đến cuối năm nay các đơn vị này mới triển khai”.
Thạc sĩ, bác sĩ NGUYỄN DŨNG - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh
LÊ CƯỜNG