Mất tiền vì… “điều tra viên”
Dù cơ quan chức năng đã liên tiếp cảnh báo về thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, tự xưng là người đại diện của các cơ quan bảo vệ pháp luật gọi điện đe dọa, rồi hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản cho sẵn để phục vụ cho công tác điều tra, thế nhưng vẫn không ít người nhẹ dạ, cả tin nên mắc bẫy.
Lệnh bắt tạm giam của đối tượng lừa đảo đe dọa nạn nhân.
Tiếp nhận đơn của một phụ nữ, cán bộ trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh không khỏi xót xa khi chị là nạn nhân của trò lừa đảo đã quá cũ. Theo lời trình bày, cuối tháng 8 vừa qua, đối tượng gọi vào điện thoại cố định báo chị có liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền, mua bán ma túy, trong tài khoản tại một ngân hàng ở Hà Nội có số tiền gần 7 tỉ đồng và Bộ Công an đang điều tra, khiến chị hoảng loạn tinh thần. Bởi chị chưa bao giờ mở một tài khoản tín dụng nào ở ngân hàng. Để chị khỏi nghi ngờ, người này đã kết nối và cho ngay mã số để truy cập vào trang thông tin của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và không quên căn dặn phải đảm bảo tuyệt đối bí mật. Khi chị truy cập thì có ngay thông tin cùng lệnh bắt tạm giam, sau đó đối tượng bảo cúp máy, dùng số điện thoại mã vùng Hà Nội điện vào số di động của chị để khai thác thông tin cá nhân, đối chiếu với hồ sơ lưu của Bộ Công an.
Sau khi đối chiếu, người tự xưng điều tra viên khẳng định chị đang liên quan đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia và lập thẻ tín dụng giả để bán lại cho các đối tượng với giá 200 triệu đồng. Hiện thẻ này mang tên chị có tài khoản 6,5 tỉ đồng do phạm tội mà có. Sau khi khai thác thông tin cá nhân về nơi công tác, mức lương, tài khoản, tài sản..., đối tượng cho biết mức độ phạm tội của chị là rất nghiêm trọng và hứa sẽ chuyển cho một điều tra viên khác giúp đỡ vì chị không có điều kiện ra Hà Nội làm việc.
Cùng lúc đó, một người khác tự xưng điều tra viên đang thụ lý vụ án gọi cho chị. Người này cho biết, đang có 2 lệnh bắt tạm giam 4 tháng và kê biên, niêm phong toàn bộ số tài sản hiện có của chị về hành vi cấu kết với đối tượng mua bán ma túy, rửa tiền. Chúng còn trấn an chị khai báo thành khẩn và hợp tác chuyển hết số tiền trong các sổ tiết kiệm, nếu qua điều tra thấy không có liên quan sẽ gửi lại chị trong vòng 24 giờ. Tưởng là thật và nghĩ mình không làm gì vi phạm, theo hướng dẫn của chúng, chị đã gom hết số tiền đang gửi tiết kiệm cùng số tài sản bán được hơn 600 triệu đồng chuyển hết vô tài khoản mà chúng cho sẵn, rồi chụp các chứng từ gửi qua đường Zalo “Vksndtc TP Hà Nội” để chứng minh đã nộp. Đối tượng đã luôn cảnh báo chị phải giữ bí mật, không tiết lộ cho bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Đồng thời, gửi cho chị qua Zalo 2 lệnh bắt tạm giam và kê biên tài sản. Mọi việc đã xong, chị trấn tĩnh lại mới biết mình “sập bẫy” nhưng kiểm tra tài khoản thì đã bị khóa.
Hiện ở tỉnh ta, có đến hàng chục nạn nhân của trò lừa đảo này. Trước đó, bà Chu Thị T. (73 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ), chị Nguyễn Kim Q. (ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) bị lừa hàng trăm triệu đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an các địa phương để điều tra. Đối tượng đã sử dụng công nghệ cao giả danh cán bộ điều tra, thuê người mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo đại tá Trương Minh Ngọc, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh: “Khi cơ quan thực thi pháp luật làm việc với người có liên quan thì phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập đến một địa điểm quy định, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, không có yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, nội dung làm việc đều phải ghi biên bản và được lưu hồ sơ theo quy định của Luật Tố tụng hình sự”. Vì vậy, người dân cần bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác trước số điện thoại lạ, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Danh Nhân