Gian nan hành trình “tìm” con
Những phụ nữ ấy đã phải mất bao nhiêu công sức, tiền bạc để “tìm” con. Và chỉ những ai phải trải qua mới hiểu hết được hành trình vất vả chữa bệnh hiếm muộn, vô sinh.
Cưới nhau 10 năm là bấy nhiêu thời gian chị Nguyễn Thị Giang (34 tuổi, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) và chồng mong ngóng có con. Mỗi khi nghe ai đó chia sẻ trải nghiệm mang bầu, sinh con, chị lại tủi thân khóc thầm. Chị Giang kể: “Mấy năm đầu, tôi và chồng còn lạc quan động viên nhau cố gắng hết sức đến khi nào không thể thì thôi. Hai vợ chồng bảo ban nhau lo làm ăn, cật lực dành dụm để có tiền chữa trị ở bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Nhưng 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vẫn không thành công”.
Một cặp vợ chồng khám sàng lọc để điều trị vô sinh vào tháng 5.2018 tại Khoa Phụ sản BVĐK tỉnh. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Cuộc hành trình tìm con của chị Trần Thị Hồng Thắm (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) thì cứ hết vỡ òa hạnh phúc khi nhận tin có thai lại đau đớn vì không giữ được thai. Chị Thắm rơi vào nhóm vô sinh do liên tục mang thai nhưng không sinh được. Dạng vô sinh này đang có xu hướng tăng lên và là dạng khó điều trị nhất hiện nay. Theo các bác sĩ điều trị cho chị Thắm, thì trường hợp này còn tùy người, do có nguyên nhân khác nhau như lỗi ở trứng hay nhiễm sắc thể, hay do máu, nên việc có con là rất khó khăn. Có rất nhiều phụ nữ như chị Thắm phải chữa trị vô sinh khá tốn kém, vất vả và đau đớn. Có chị khi mang thai nằm gác chân trên giường trong bệnh viện ngày qua ngày nhưng vẫn không thể giữ được thai.
Chúng tôi gặp nhiều chị ở vào lứa tuổi 40 - 50 nhưng vẫn khát khao được làm mẹ, dẫu vẫn biết rằng tuổi càng lớn thì tỉ lệ thành công trong điều trị càng thấp. Áp lực con cái làm cho cuộc sống vợ chồng các chị nhiều lúc trở nên căng thẳng, cộng với sự soi xét, thúc giục của gia đình khiến chị em rất mỏi mệt. Mỗi lần chạy chữa là một lần tốn kém khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nhưng họ vẫn không nguôi nuôi hy vọng cháy bỏng được có con.
Chữa bệnh vô sinh, hiếm muộn có rất nhiều dạng: Vô sinh tiên phát (chưa mang thai bao giờ), vô sinh thứ phát và vô sinh dạng có thai liên tục nhưng không thể sinh được. Phụ nữ rơi vào các trường hợp này phải điều trị lâu dài với nhiều vất vả, đau đớn về tinh thần lẫn thể xác như tiêm kích trứng, chọc trứng, bơm tinh trùng…
Hiện nay, tần suất vô sinh ở Bình Định là khoảng 7% và mỗi năm có khoảng 400 - 500 cặp vợ chồng cần điều trị vô sinh. Được biết, BVĐK tỉnh đã thành lập được đơn vị vô sinh – hiếm muộn, đây là tín hiệu vui cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nuôi hy vọng có được con.
"Cuối tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) tiến hành chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho BVÐK tỉnh, trong 2 năm 2019 và 2020. Với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ về điều trị vô sinh hiếm muộn và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên viên phôi học, điều dưỡng, xét nghiệm của BVÐK tỉnh, cùng trang thiết bị hiện đại được nhập từ Pháp, Ðức, Mỹ, dịch vụ chu đáo, Phòng điều trị hiếm muộn Khoa phụ sản BVÐK tỉnh sẽ làm tốt nhiệm vụ khám, chẩn đoán, điều trị, tư vấn và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vô sinh và sinh con theo phương pháp khoa học, chẩn đoán di truyền.
Bước đầu, chúng tôi khám sàng lọc cho 100 cặp vợ chồng và có 20 cặp vợ chồng được chọn để điều trị. Chúng tôi đảm bảo tư vấn các bước chữa trị, tâm lý cho bệnh nhân và người nhà để an tâm vượt khó với ước mơ làm cha mẹ. Việc điều trị tại BVÐK tỉnh giúp giảm chi phí chữa trị, đi lại, ăn ở so với các tỉnh, thành phố lớn”.
Bác sĩ CKII NGUYỄN HỮU TIẾN, Phó Trưởng Khoa sản, BVĐK tỉnh
HẢI YẾN