Phụ nữ Bana biết nghĩ, biết làm
Về làng Kon Giang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, ai cũng nể sự chịu thương chịu khó vươn lên làm kinh tế, vượt qua khó nghèo của chị Ðinh Thị Triêng, 35 tuổi.
Năm 2009, sau khi lấy chồng và ở riêng, chị Triêng bàn với chồng làm nương rẫy, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình để thoát cảnh đói nghèo.
Chị Triêng là một trong những phụ nữ điển hình ở làng Kon Giang.
Chị vay 20 triệu đồng qua kênh của Hội LHPN xã Vĩnh An và tích cực tham gia các lớp tập huấn KHKT của các hội, đoàn thể, đồng thời tìm tòi học hỏi thêm kiến thức nghề nông. Có vốn, vợ chồng chị mạnh dạn thuê đất trồng cỏ voi nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm, gia đình chị có 12 con bò lai và trả hết nợ vay. Có được chút vốn, chị quyết định mở rộng sản xuất, chăn nuôi heo, trồng cây lâm nghiệp. Hiện nay, gia đình chị Triêng có 2 ha rừng, 2 ha rẫy trồng chuối, bắp, dứa, 3 sào lúa nước, 30 con heo… Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chị luôn lựa chọn cây, con giống tốt, đạt tiêu chuẩn để đưa vào nuôi trồng, chăm sóc, đồng thời tích cực phòng ngừa sâu bệnh. Hiện nay, gia đình chị Triêng đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Khi gia đình đã có của ăn của để, chị còn giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong làng, xã cùng làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo.
Chị Triêng tâm sự: “Đồng bào dân tộc miền núi mình hay ngại tiếp xúc, chia sẻ, nhưng rất thật thà. Do vậy, việc hướng dẫn để họ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất không phải nói là làm ngay được, mình phải hướng dẫn tận tình và làm gương cho họ học tập”. Gia đình chị Triêng nhiều năm liền gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa cấp huyện. Ngoài ra, chị Triêng còn tích cực tham gia các hoạt động trong thôn.
Bà Đinh Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An, cho biết: “Chị Đinh Thị Triêng là một phụ nữ điển hình của xã Vĩnh An. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị còn rất tích cực trong xây dựng và vận động mọi người cùng xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi, loại bỏ dần các tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi… Bên cạnh đó, chị luôn nhắc nhở bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn mà nhà nước đầu tư, tích cực tăng gia sản xuất nâng cao đời sống của gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương”.
CÔNG HIẾU