Bình Ðịnh tham gia liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc: Diễn viên trẻ, kịch bản đậm chất địa phương
Tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 (gọi tắt là Liên hoan), 2 đại diện của Bình Ðịnh là Nhà hát tuồng Ðào Tấn sẽ diễn vở Chàng Lía, Ðoàn Ca kịch bài chòi diễn vở Chuyện tình làng võ. Với nội dung mang dấu ấn địa phương và dàn diễn viên trẻ, sân khấu Bình Ðịnh hiện diện ở sân chơi lớn với nhiều ưu điểm.
Cả 2 vở diễn trên đều là kịch mục mới nhất của mỗi đơn vị, được dàn dựng năm 2017 và ê-kip sáng tạo hoàn toàn là những nghệ sĩ trong tỉnh. Với vở tuồng Chàng Lía của Nhà hát tuồng Đào Tấn, đây là kịch bản của một tác giả ở Nhà hát - Đoàn Thanh Tâm, do NSND Hoài Huệ (Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định) làm đạo diễn. Tương tự, kịch bản vở bài chòi Chuyện tình làng võ là của một diễn viên ở Đoàn - NSƯT Hoàng Ngọc Đạo, các khâu còn lại: đạo diễn, âm nhạc, múa… đều do một số nghệ sĩ của đơn vị thực hiện.
Một cảnh trong vở tuồng Chàng Lía: dũng sĩ Lía diệt hổ cứu dân.
Chàng Lía là vở tuồng về thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân ở Bình Định. So với nhiều cuộc khởi nghĩa khác, dấu vết của khởi nghĩa Truông Mây trong lịch sử rất mờ nhạt, chủ yếu tồn tại trong tâm thức dân gian. Nguyên nhân có lẽ bởi “điều tiếng” từ chính thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa (lấy thiếp quan lại làm vợ, thất bại vì nội gián này). “Chàng Lía, từ kịch bản đến vở diễn đều thống nhất chú trọng khai thác số phận, bi kịch cá nhân của nhân vật, lý giải về nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa... mở ra cách nhìn nhận theo hướng rộng mở, nhân văn hơn”, đạo diễn Hoài Huệ cho biết.
Với Chuyện tình làng võ, bối cảnh diễn ra là ở lò võ môn phái Bình Võ Đạo tại một làng ven sông Lại Giang (Bình Định), vào thập niên 60 - thế kỷ XX khi quê hương, đất nước lâm vào khói lửa chiến tranh. Trong vở diễn, những tình yêu, những vẻ đẹp riêng - chung cùng tồn tại, bổ trợ, làm đẹp cho nhau. Tình yêu của Điền và Tú càng ý nghĩa hơn khi biết hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Điền - một võ sinh xuất sắc, một người chiến sĩ cách mạng - 3 lần nương tay với kẻ hãm hại mình, sự lựa chọn ấy không chỉ bước qua nỗi đau cá nhân, tôn trọng sinh mệnh người khác và đề cao võ đạo, mà còn thể hiện truyền thống đạo lý, nhân nghĩa của dân tộc... Vở diễn mượn một câu chuyện tình trắc trở, cảm động, diễn biến và kết thúc theo mô tuýp truyền thống, song nhờ mở ra những vấn đề lớn như vừa nói, giá trị được đẩy lên một bước.
Theo NSND Hòa Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Bình Định, so với các kỳ trước, Liên hoan có một số thay đổi theo hướng đề cao chuyên môn hơn. Theo đó, cơ cấu giải không chỉ dành cho tác phẩm (vở diễn) và diễn xuất (diễn viên) như trước mà chấm cả ê-kip sáng tạo (tác giả kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật...). Hướng thay đổi này khuyến khích sự đầu tư sáng tạo, đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao hơn và tạo cơ hội cho tất cả các khâu.
Nhận xét về tác phẩm của Bình Định tại Liên hoan, NSND Hòa Bình cho rằng, điểm đáng ghi nhận đầu tiên là mỗi đơn vị đã chủ động tìm tòi sáng tạo, xây dựng những tác phẩm mới, hình tượng đẹp, câu chuyện hay về lịch sử, văn hóa Bình Định để phục vụ công chúng cũng như giới thiệu tại Liên hoan. Cả 2 vở đều do diễn viên trẻ thể hiện, cho thấy nét thanh xuân của mỗi đơn vị và sân khấu Bình Định nói chung. Dấu ấn riêng ở đề tài, nét thanh xuân trong diễn xuất, sự chuẩn bị chu đáo của mỗi đơn vị... là cơ sở để hy vọng về kết quả cao tại Liên hoan.
Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 diễn ra từ ngày 20 - 28.10 tại tỉnh Quảng Ngãi, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT&DL địa phương này tổ chức, thu hút 12 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp loại hình tuồng, bài chòi, dân ca kịch trong cả nước tham gia.
SAO LY