Cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng trái phép: Sao cho hợp lý, hợp tình
Việc cưỡng chế tháo dỡ những căn nhà xây dựng trên đất lấn chiếm, xây dựng trái pháp luật là điều cần thiết và phải cương quyết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có cách giải quyết hợp lý, hợp tình để người dân tự nguyện chấp hành, giảm thiểu thiệt hại.
Ông Đinh Thành Nhơn (66 tuổi, ở TP Quy Nhơn) xây nhà trên đất được cho là lấn chiếm. Trước đó, dù biết đất không có giấy tờ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lại thấy khu vực này khu dân cư đã hình thành và đang sinh sống bình thường, nên gia đình ông Nhơn vẫn mua đất rồi cất nhà. Ngày 12.9 vừa qua, UBND phường cưỡng chế tháo dỡ ngôi nhà của gia đình ông Nhơn.
Căn nhà của ông Đinh Thành Nhơn bị cưỡng chế tháo dỡ vì xây cất trái phép.
Nhìn căn nhà mới xây xong bị đập bỏ, chị Đinh Thị Minh Châu (con gái của ông Nhơn) ấm ức: “Tôi đã xin lực lượng cưỡng chế cho tôi vài ngày để tự tháo dỡ, vì tôi chỉ nhận được thông báo trước thời điểm cưỡng chế có 3 ngày, nhưng họ không chịu. Đành rằng tại chúng tôi sai trước, nhưng quyết định cưỡng chế phải có thời gian cho dân kịp trở tay chứ. Mặt khác, lúc bị cưỡng chế tôi mới nhận được tờ biên bản làm việc của chính quyền về việc cưỡng chế tháo dỡ nhà của tôi. Trong khi đó, cũng có 2 hộ gia đình cùng cất nhà không giấy tờ như gia đình tôi, nhưng tại sao họ lại không bị cưỡng chế, mà chỉ có nhà tôi? Giờ đây cha mẹ tôi đều mang bệnh trong người mà phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, xót xa lắm!”.
Việc chính quyền cưỡng chế là đúng, nhưng nếu UBND phường kịp thời trả lời những thắc mắc của người dân, hoặc tạo điều kiện cho họ tự tháo dỡ, thì vẫn là một giải pháp tốt hơn và người dân cũng không phải ấm ức.
Việc cưỡng chế tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép, xây cất không đúng quy định là điều cần thiết và phải có quyết tâm cao. Nhưng nếu chính quyền địa phương nắm bắt thông tin kịp thời, xử lý ngay khi người dân bắt đầu xây dựng công trình, thì sẽ giảm bớt thiệt hại cho người dân; đồng thời, kết hợp giải thích cụ thể để người dân hiểu được sự việc và tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở.
Tổ 49, KV 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn là một điểm nóng của việc lấn chiếm. Mới đây, người dân phản ảnh một hộ dân trú tại hẻm 405 Tây Sơn đang thực hiện việc khoan, đào núi để cơi nới nhà ở, nên chính quyền kịp ngăn chặn ngay từ đầu. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: “Chúng tôi rất mong người dân phản ánh để nắm bắt tình hình, từ đó xử lý kịp thời, tránh tình trạng công trình hoàn thành mới cưỡng chế; một số trường hợp người dân đã xây dựng thành công trình kiên cố chúng tôi cũng buộc phải tháo dỡ, nhưng chủ yếu vẫn là nắm bắt từ đầu để xử lý ngay. Như vậy mới không gây thiệt hại nhiều cho dân”.
“Việc cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng trái phép đều đầy đủ các thủ tục theo quy định. Có nhiều trường hợp người dân biết sai nhưng vẫn bất chấp xây cất, buộc chính quyền phải cưỡng chế. Những trường hợp xây cất trái phép đều có kế hoạch cưỡng chế và làm từng bước, chứ không có chuyện người bị cưỡng chế, người thì không. Nếu người dân phát hiện vi phạm nên báo với chính quyền địa phương để kịp thời xử lý; trong trường hợp chính quyền địa phương chậm xử lý thì có thể báo đến UBND TP Quy Nhơn qua đường dây nóng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND TP Quy Nhơn.”
Ông DƯƠNG HIỆP HÒA, Chánh Văn phòng HĐND&UBND TP Quy Nhơn
KIM CHI