Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Hiệu quả thấp vì còn nhiều hạn chế
Công tác sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại Bình Ðịnh chưa đạt hiệu quả vì còn nhiều hạn chế trong quy định cũng như chính sách triển khai.
Sàng lọc trước sinh (SLTS), sàng lọc sơ sinh (SLSS) là chương trình thực hiện xét nghiệm thường quy cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và trong vòng 1 tháng đầu sau sinh để phát hiện sớm các bất thường, nguy cơ về bệnh lý di truyền như: các bệnh lý nội tiết, dị tật ống thần kinh, bệnh về nhiễm sắc thể và các dị tật bẩm sinh khác ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển thể chất tâm thần của trẻ.
Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm các bệnh lý di truyền như thiếu men G6PD, bệnh lý nội tiết như suy giáp bẩm sinh...
Từ năm 2009, Bình Định là 1 trong 7 tỉnh miền Trung đầu tiên triển khai SLTS, SLSS. Đến năm 2011 công tác sàng lọc mới chính thức đưa vào thực hiện sau 2 năm làm quen. Tuy nhiên, chương trình chỉ thực hiện tại bệnh viện công và miễn phí cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2013 (gồm người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có công cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân ở các xã thuộc Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển). Thêm vào đó, do thai phụ không thường xuyên theo dõi thai kỳ tại bệnh viện công mà khám ở cơ sở y tế tư nên công tác theo dõi sàng lọc cũng gặp nhiều khó khăn.
Chị Cao Thị Thanh Tâm, nữ hộ sinh tại Khoa Sản, Trung tâm y tế huyện Tuy Phước cho biết: Các sản phụ thuộc đối tượng được sàng lọc miễn phí, khi đến sinh tại Trung tâm chúng tôi sẽ tư vấn lợi ích việc SLSS, hầu hết các chị đều thuận tình. Tuy nhiên, việc SLTS lại khó khăn hơn nhiều vì phần lớn thai phụ thường đi khám thai ở các cơ sở bên ngoài hoặc đến Trung tâm khi đã quá thời gian cho phép sàng lọc.
Các hạn chế, khó khăn như vậy khiến mức sàng lọc tại Bình Định dù triển khai sớm vẫn còn thấp. Trong khi đó, do quy định trên, nhiều thai phụ không thuộc đối tượng được sàng lọc lại tìm đến phòng khám tư nhân, đặc biệt từ phòng khám sức khỏe sinh sản để được tư vấn sử dụng dịch vụ. Một bác sĩ thực hiện SLTS tại một phòng khám tư (đề nghị không nêu tên) cho biết, hiện nay đã có nhiều người tìm đến nhờ tư vấn và thực hiện sàng lọc, đặc biệt không chỉ ở TP Quy Nhơn mà có nhiều thai phụ ở các huyện trong tỉnh,thậm chí có cả từ các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Thật ra những đối tượng được sàng lọc miễn phí lại là những người đã qua độ tuổi sinh sản hoặc ít có nhu cầu sinh sản. Cho nên các địa phương như TX An Nhơn, TP Quy Nhơn dù có tiêu chuẩn, có mẫu vẫn không thực hiện được. Ngược lại, một vài cơ sở y tế tư nhân liên kết với Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) để thực hiện dịch vụ sàng lọc, chủ yếu là SLTS nhưng Chi cục không nắm được số liệu cụ thể nên không thể biết được quá trình sàng lọc cũng như kết quả sau sàng lọc.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quang, việc nâng cao chất lượng sàng lọc, hướng đến mục đích nâng cao chất lượng dân số cần phải có định hướng rõ ràng và mất một thời gian dài để người dân có thể nhận thức được lợi ích từ việc sàng lọc. Sắp tới đây, theo hướng xã hội hóa, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sau sinh (Trường Đại học Y - Dược Huế) phối hợp Khoa Sản và Khoa Nhi Sơ sinh (BVĐK tỉnh) triển khai thực hiện sàng lọc tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Sang năm 2019 sẽ triển khai thêm sàng lọc bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh), điếc bẩm sinh.
* Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra. Trong đó, có khoảng 15.000 - 30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, 1.400 - 1.800 trẻ bị mắc bệnh down, 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh, 300 - 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, 250 trẻ mắc hội chứng Edwards... Hiện nay một số quốc gia trên thế giới triển khai sàng lọc từ 30 đến 50 bệnh. Chương trình sàng lọc tại Việt Nam chỉ mới triển khai rộng rãi, miễn phí với hai bệnh suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD.
* Tại Hội nghị về dự thảo Ðề án sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2017 - 2020 diễn ra ở Quy Nhơn vào tháng 9.2017, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGÐ, nhấn mạnh mục tiêu trước mắt phải đẩy mạnh cung cấp dịch vụ SLTS, SLSS đáp ứng nhu cầu sàng lọc đạt chỉ tiêu 50% bà mẹ mang thai và 80% trẻ sơ sinh được sàng lọc vào năm 2020.
THẢO KHUY