Núi Thơm ở xã Bình Hòa (Tây Sơn) bị khai thác trái phép: Xã nói tận dụng, huyện chỉ đạo xử lý!
Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, song UBND xã Bình Hòa (Tây Sơn) đã tự ý cho phép các doanh nghiệp đưa phương tiện cơ giới vào khu vực núi Thơm để khai thác đất. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, thế nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Tây Sơn lại chậm trễ xử lý, khiến người dân bất bình.
Núi Thơm bị khai thác trái phép
Núi Thơm nằm ở thôn Kiên Thạnh, xã Bình Hòa (Tây Sơn) có diện tích hơn 1 ha. Sau thời gian dài bị “móc ruột”, núi Thơm đã trở nên tan hoang. Ước tính đã có hàng ngàn khối đất đá được lấy đi. Điều bất thường, hoạt động khai thác đất trái phép ở đây diễn ra khá ồ ạt, song không vấp phải sự ngăn chặn từ phía chính quyền địa phương.
Máy đào được tập kết trong khu vực núi Thơm phục vụ việc khai thác đất trái phép.
Một người dân ở thôn Kiên Thạnh cho biết thêm: Hoạt động khai thác đất trái phép ở núi Thơm chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Quá trình khai thác đất thường diễn ra từ 18 giờ đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau. Thậm chí có hôm DN làm tới 5 - 6 giờ sáng; huy động 6 - 7 xe đào với khoảng 10 xe ben Chiến Thắng thay phiên nhau vào lấy đất. “Bà con chúng tôi thấy lạ ở chỗ, việc lấy đất chỉ diễn ra vào ban đêm. Đất được lấy ở đây chở đi nhiều nơi. Tôi cũng nghe bà con nói, số ít đất được lấy để đổ san nền cho công trình, số nữa được lái xe chở về các lò gạch trong huyện”, vị này nói.
Sáng 21.9, nhóm PV Báo Bình Định tiếp cận hiện trường, thấy có 2 xe đào đã ngừng hoạt động đậu trong khu vực núi Thơm. Cạnh đó là những hầm hố vừa được đào bới nham nhở. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, hoạt động khai thác đất trái phép ở đây chỉ mới diễn ra chừng vài giờ đồng hồ. Trong khu vực núi Thơm, PV còn thấy một bãi cát được tích trữ, chứa tại chỗ với khối lượng lên tới cả ngàn khối. Người dân ở địa phương cho biết, số cát này được một DN ở địa bàn khai thác tại một nhánh sông gần đó.
Chỉ tận dụng đất để làm công trình (?)
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, thừa nhận: Đúng là tại khu vực núi Thơm đã từng xảy ra việc khai thác đất không đúng quy định. Nhưng đó là trước đây. Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, hoạt động lấy đất trái phép không còn.
Khi được nhóm PV cung cấp những hình ảnh về hiện trường khai thác đất, ông Sang bất ngờ đổi ý. “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa qua xã triển khai thi công một số dự án, hạng mục về công trình giao thông thủy lợi. Để hạ giá thành xây dựng công trình, địa phương có cho DN tận dụng đất để thực hiện việc san nền”, ông Sang nói.
Bãi cát “khổng lồ” được tập kết ngay trong khu vực núi Thơm.
Khi PV đặt vấn đề, việc DN lấy đất khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền? Ông Sang thừa nhận: “Tỉnh chỉ mới cho chủ trương quy hoạch mỏ ở khu vực núi Thơm để phục vụ việc thi công một số công trình ở địa phương về sau này. Đến nay, tỉnh chưa cấp phép hoặc cho phép khai thác. Theo quy định thì việc khai thác đất chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là sai”.
Ông Sang cho rằng, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Hảo là đơn vị cuối cùng lấy đất tại khu vực núi Thơm. Đơn vị này chỉ lấy ít đất cho một số công trình kênh mương nội đồng, nhưng cách đây cũng đã vài tháng. “Thời gian qua, ở núi Thơm có khá nhiều DN vào lấy đất, nhưng chỉ để phục vụ công trình. DN nào được xã hiệp đồng dự án thì có tận dụng đất để phục vụ san nền, chứ không có chuyện DN lấy đất để bán cho các lò gạch như dân phản ánh (!)”, ông Sang nói.
Chỉ đạo xử lý, kiểm điểm trách nhiệm
Chiều 21.9, trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Vừa qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Bình Hòa có xin tỉnh cho mỏ đất làm bãi vật liệu để san lấp công trình khu dân cư, trường mẫu giáo ở thôn Trường Định và chợ Bình Hòa. Bãi vật liệu này nằm tại khu vực núi Thơm và nằm giáp ranh với vùng đất quốc phòng.
Sau khi các DN lấy đất phục vụ san nền thì Cơ quan Quân sự huyện xuống kiểm tra, có phát hiện DN xâm lấn qua diện tích đất quốc phòng. Sau đó, huyện chỉ đạo bộ phận chuyên môn xuống kiểm tra thì phát hiện các DN lấy đất đã xâm phạm vào diện tích đất quốc phòng 727m2. Sai phạm này xuất phát từ sự nhầm lẫn của cán bộ địa chính ở xã Bình Hòa trong quá trình cắm mốc, giao đất cho DN.
Trước sự việc này, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, huyện đã tiến hành họp với sự tham gia của các bên liên quan. Đồng thời, huyện giao Phòng Nội vụ chủ trì, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể có sai phạm của UBND xã Bình Hòa. Đồng thời, yêu cầu địa phương khắc phục những sai phạm đối với diện tích đất quốc phòng. Đến nay, UBND xã Bình Hòa đã rào lại khu vực đất quốc phòng và không để DN vào khu vực này lấy đất nữa.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cũng cho biết, đã chỉ đạo tạm đình chỉ việc lấy đất tại khu vực núi Thơm xây dựng công trình để tiến hành kiểm điểm các cá nhân, tập thể UBND xã Bình Hòa khi để xảy ra những sai phạm liên quan đến việc các DN lấy đất xâm lấn qua đất quốc phòng; đồng thời, cam kết sẽ chỉ đạo bộ phận chức năng xuống kiểm tra lại hiện trường khai thác đất tại khu vực núi Thơm nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác đất trái phép tại đây.
Chưa cấp phép đã khai thác là do áp lực thi công công trình (?)
Về việc UBND tỉnh mới cho chủ trương quy hoạch bãi vật liệu tại núi Thơm, chứ chưa hề cấp phép, nhưng các DN đã ồ ạt vào lấy đất, ông Ðỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng: “Các DN chưa làm xong, đầy đủ các thủ tục, chắc do áp lực về tiến độ thi công công trình (!)”.
TRỌNG LỢI - HỒNG PHÚC