Thiếu vắc-xin 5 trong 1: Ảnh hưởng lớn đến công tác phòng bệnh
Ðến nay, các cơ sở y tế trong tỉnh chưa được cung cấp nguồn vắc-xin ComBE Five (thay thế cho vắc-xin Quinvaxem) để tiêm cho trẻ. Một số loại vắc-xin khác cũng trong tình trạng khan hiếm, khiến công tác phòng bệnh gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm 2017, Tập đoàn vắc-xin Janssen tại Hàn Quốc thông báo ngừng sản xuất vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, Bộ Y tế đã chọn vắc-xin ComBE Five do Công ty Biological E (Ấn Độ) sản xuất để thay thế. Đây là vắc-xin cùng chủng loại, tiêm cho trẻ em lúc 2, 3, 4 tháng tuổi, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Bình Định là một trong những địa phương đầu tiên được chọn triển khai tiêm loại vắc-xin mới cho trẻ từ đầu tháng 7.2018. Tuy nhiên, trong khi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chưa nhận được vắc-xin ComBE Five thì...
Thiếu vắc-xin 5 trong 1 sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác phòng bệnh cho trẻ.
Đang tạm “đứt” nguồn cung
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, xác nhận: “Tình trạng thiếu, đứt nguồn các loại vắc-xin xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua. Hiện chúng tôi không còn vắc-xin Quinvaxem để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo thông báo từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau khi vắc-xin mới được nhập, kiểm định sẽ sớm chuyển đến các địa phương để công tác tiêm phòng không bị gián đoạn. Tuy nhiên, đến ngày 24.9 chúng tôi vẫn chưa nhận được lọ vắc-xin ComBE Five nào. Có lẽ sớm nhất cũng phải đến tháng 10 hoặc 11 mới có”.
Chưa nhận được vắc-xin mới, các địa phương vẫn phải sử dụng Quinvaxem để tiêm cho trẻ. Nhưng lượng vắc-xin này đến nay đã cạn kiệt ở hầu hết cơ sở y tế. Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho hay: “Trong tháng 8 chúng tôi vẫn còn vắc-xin Quinvaxem để sử dụng, nhưng đến nay thì đã hết sạch. Giờ chúng tôi vẫn phải chờ nguồn vắc-xin mới để có kế hoạch tiêm cho các đối tượng trong thời gian tới”. Tương tự, bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, xác nhận: “Chúng tôi đã dùng hết những liều Quinvaxem cuối cùng. Trong khi đó, vắc-xin DPT (tiêm cho trẻ 18 tháng tuổi, ngừa các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà - NV) còn khoảng 460 liều, đủ dùng đến hết tháng 10”.
Có số trẻ ít hơn so với nhiều phường khác trên địa bàn TP Quy Nhơn, nhờ đó phường Lê Lợi chưa rơi vào tình trạng cạn kiệt vắc-xin, nhưng cũng không khá gì. Ông Nguyễn Thanh Chính, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Lê Lợi, cho biết: “Chúng tôi vẫn còn khoảng hơn… chục liều Quinvaxem, chắc chắn là không đủ cho đợt tiêm ngày 25.9 này”.
Hệ lụy khó lường
Theo thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, việc trẻ đã đủ ngày để tiêm chủng nhưng không được tiêm sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng nếu trong thời gian chờ vắc-xin, trẻ không mắc bệnh thì tác dụng phòng bệnh của vắc-xin (sau khi tiêm bù) vẫn không bị ảnh hưởng. Với việc thiếu vắc-xin thay thế Quinvaxem, những trẻ từ đủ 2 tháng tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. “Các cơ sở tiêm chủng hiện chỉ cho trẻ uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt, lập danh sách những trẻ chưa được tiêm vắc-xin 5 trong 1, khi được cung cấp sẽ thông báo tới gia đình đưa trẻ đến tiêm bù. Với những trẻ đã tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 với vắc-xin Quinvaxem thì mũi 3 tiêm ComBE Five vẫn được, vì 2 loại vắc-xin có tác dụng tương tự” - ông Lân cho biết.
Theo thống kê, hàng năm, Bình Định có thêm hơn 25.000 trẻ em dưới 1 tuổi. Do đó, nhu cầu tiêm vắc-xin 5 trong 1 khá lớn. Việc thiếu hụt vắc-xin khiến không ít phụ huynh sốt ruột, lo lắng con bị mắc bệnh nếu không được tiêm chủng đúng thời hạn, phải bỏ tiền tiêm vắc-xin dịch vụ. Hiện chi phí tiêm vắc-xin dịch vụ khá cao, với khoảng 700 - 800 ngàn đồng/mũi. Ước tính, nếu sử dụng đủ các loại vắc-xin dịch vụ (phòng tất cả các bệnh như trong chương trình tiêm chủng mở rộng) sẽ tốn khoảng 10 triệu đồng/trẻ.
Việc thiếu nguồn vắc-xin 5 trong 1 chắc chắn ảnh hưởng đến chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng của ngành y tế tỉnh trong năm nay. Bởi nếu đến tháng 11 không có vắc-xin, nhiều trẻ sẽ được tiêm vào năm 2019. Khi đó, dù trẻ vẫn được tiêm đầy đủ, nhưng tỉ lệ chung chắc chắn sẽ thấp. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, then chốt ở đây và được cả xã hội quan tâm là việc phòng bệnh cho trẻ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Lê Thái Bình phân vân: “Điều khiến tôi băn khoăn là Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn nào về phương án xử trí trong khi chờ vắc-xin, bởi vắc-xin ComBE Five ngừa các bệnh nguy hiểm, nên trẻ chậm được tiêm hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, việc gián đoạn thời gian tiêm chủng cũng ảnh hưởng đến thói quen của người dân, tác động không tốt đến mục tiêu tiêm chủng mở rộng”.
“Mới đây, nguồn vắc-xin phòng bệnh dại cho người đã được cung cấp cho các cơ sở y tế, giảm bớt tình trạng khan hiếm kéo dài trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện chỉ có loại vắc-xin Abhayrab do Ấn Ðộ sản xuất, còn loại Verorab (do Pháp sản xuất) chưa được chuyển về. Việc thiếu vắc-xin dại trên địa bàn tỉnh những tháng gần đây một phần vì người dân ở các tỉnh khác đến tiêm, do ở địa phương họ cũng đã cạn nguồn”.
Thạc sĩ BÙI NGỌC LÂN, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh
LÊ CƯỜNG