Bổ ích cùng hoạt động ngoại khóa
Gần đây, nhiều trường phổ thông trong tỉnh chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức ngoại khóa cho học sinh đã thu được kết quả tích cực, được cả học sinh và phụ huynh nhiệt tình ủng hộ...
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn trải nghiệm trồng trọt tại vườn rau sạch của trường.
Ngay từ lúc thành lập trường (2015), Trường THCS Ân Hảo Tây (Hoài Ân) đã lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh. Nhờ đó, những tiết học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống được học sinh hân hoan đón nhận.
Theo thầy Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Hảo Tây, cùng với kiến thức giáo khoa, việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh qua những trải nghiệm thực tế, gần gũi tại địa phương, cũng quan trọng không kém. Những tiết học sinh động bồi trúc tình yêu quê hương, giúp các em hiểu sâu hơn những điều gần gũi hàng ngày mà nếu không được hướng dẫn chưa hẳn đã hiểu thấu đáo.
Theo đó, tùy lịch học mà nhà trường sắp xếp các buổi ngoại khóa, đặc biệt Hội thi “Giáo dục làng nghề truyền thống” luôn được học sinh Trường THCS Ân Hảo Tây mong đợi. Tại Hội thi, học sinh vừa thuyết trình vừa tự tay thực hành cho tằm ăn, đan nong, đan nón, làm bánh ít lá gai, bánh bèo, bánh xèo... Bên cạnh đó, Trường còn tổ chức nhiều cuộc thi như “Em yêu lịch sử Hoài Ân”, “Em yêu lịch sử Việt Nam” với đa dạng hình thức thi, giúp học sinh thêm phần hứng thú.
Nhờ có tính thiết thực cao nên mấy năm gần đây, hoạt động ngoại khóa của Trường Tiểu học số 2 thị trấn Phù Mỹ (học sinh tự trang trí lớp học, tìm hiểu và thực hành trò chơi dân gian, tập nấu ăn, tham quan và tự làm sản phẩm gốm đất nung - một nghề truyền thống ở địa phương...) luôn được phụ huynh ủng hộ. Chính điều đó đã cổ vũ thầy cô suy nghĩ, sáng tạo thêm nhiều hoạt động ngoại khóa mới. Và điểm khá đặc biệt là trường được chính quyền địa phương hỗ trợ toàn diện. Theo đó, UBND thị trấn Phù Mỹ phối hợp với Trường tổ chức cho các em đi tham quan nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở trên địa bàn như: Hồ Đá Bàn (xã Mỹ An), chùa Hang (xã Mỹ Hòa), tham quan và trải nghiệm làm gốm ở làng gốm Trà Quang Nam (thị trấn Phù Mỹ)... Những hoạt động như vậy vừa giúp các em trải nghiệm thực tế vừa rèn luyện kỹ năng quan sát, sáng tạo và thêm yêu quê hương mình hơn.
Học sinh Trường Tiểu học số 2 thị trấn Phù Mỹ đi thực tế tại làng gốm Trà Quang Nam.
Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước) cũng là một đơn vị có nhiều sáng tạo trong tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm được tổ chức ngay tại trường. Để học sinh gần gũi với thiên nhiên, hiểu hơn về các loài động vật, trường cho xây dựng vườn rau sạch, chuồng gia cầm. Ở vùng nông thôn, nếu cứ như bình thường thì khó thu hút các em. Thế nên rau được trồng trong những thùng xốp tận dụng, trang trí đủ màu sắc, đặt lên trên những bánh xe hỏng. Học sinh cùng nhau chăm, tưới cây hàng ngày và ghi chép nhật ký sinh trưởng, nhận xét cụ thể.
Ở khu chăn nuôi, có các loài vật như: bồ câu, vịt, ngan, ngỗng, chim trĩ, thỏ, gà..., việc chăm sóc sẽ do các lớp cùng nhau đảm nhận. Việc chăm sóc vật nuôi vừa giúp các em quan sát được tập tính động vật, vừa nuôi dưỡng tình yêu thương với loài vật.
Em Đỗ Tấn Đạt, học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn kể: “Em rất thích đi học. Ở trường có nhiều bạn, trên lớp thầy cô rất vui, giờ chơi tụi em rủ nhau chơi cờ, đi xem thỏ, cho gà vịt ăn... Các con vật thấy tụi em đến, chúng mừng lắm!”.
Theo thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, nhà trường vẫn cố gắng duy trì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học, mô hình thư viện xanh, cho các em trải nghiệm trồng trọt, chăm sóc động vật... bởi không chỉ vững kiến thức trên lớp mà nhà trường còn mong muốn các em được phát triển tự nhiên về tâm hồn, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Ngoài ra, học sinh sẽ được tự do quyết định sử dụng sản phẩm thu được như trứng vịt, trứng ngỗng... giúp các em cảm nhận được thành quả từ sự chăm sóc của mình. Ngày 22.12 sắp tới, Trường sẽ tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, cùng với đó là thi viết thư pháp, theo các mẫu chữ tiếng Việt đơn giản như chữ “tâm”, chữ “đức”.
THẢO KHUY