Nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đức khiêm tốn
Khác với vẻ ngoài có phần nghiêm nghị, kín đáo của một vị tướng An ninh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất gần gũi khi tiếp xúc với nhóm phóng viên chuyên trách. Được phân công đưa tin về các hoạt động của Chủ tịch nước mới thấy ở ông sức làm việc không mệt mỏi và đức tính khiêm tốn của một người đảng viên trung kiên...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhật Nam
Vị tướng lặng lẽ
Mọi người đều biết đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ khi ông nắm trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an mà ít người biết quá trình hoạt động đầy sôi nổi của một vị tướng An ninh.
Năm 2005, tôi gặp ông lần đầu khi ông mang quân hàm Thiếu tướng, giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Ấn tượng ban đầu với tôi là lời phát biểu của ông rất kín kẽ, không hề có chi tiết thừa khi chia sẻ về công tác nghiệp vụ. Với cánh phóng viên, điều đó nhiều khi bị đánh đồng với việc "gây khó dễ" cho quá trình tác nghiệp. Dễ hiểu thôi, vì tiếp cận với một lãnh đạo cấp cao, lại kín đáo như thế thì quả là sẽ có ít tư liệu, khó để câu chuyện, nhất là chuyện vụ án, trở nên hấp dẫn, lôi cuốn độc giả... Mỗi lần đặt câu hỏi "đồng chí có thể cho biết...?", chúng tôi chỉ nhận được cái cười xòa và câu trả lời: "Xong rồi" hoặc "Anh em đang làm...".
Về sau này, khi xảy ra một số vụ án lớn về an ninh kinh tế, an ninh xã hội mà độc giả rất quan tâm, tôi phải tìm cách tiếp cận các nguồn khác, chứ xác định là khó "khai thác" được Tướng Trần Đại Quang. Cũng vì thế, độc giả "thiệt thòi" khi ít biết đến những thành tích, chiến công mang dấu ấn của ông.
Trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Trần Đại Quang vẫn giữ tác phong công việc như khi đang "tại ngũ", làm việc liên tục với cường độ cao và hết sức nghiêm túc, tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Trong những chuyến công tác nước ngoài, lịch trình luôn dày đặc, các sự kiện nối tiếp nhau liên tục, có khi kéo dài từ sáng sớm cho đến gần nửa đêm. Cánh phóng viên đi tháp tùng nhiều lúc cũng không theo kịp sự kiện, phải chia nhau thành nhiều nhóm, lần lượt bám sát hoạt động của Chủ tịch nước và đoàn đại biểu.
Nhớ lần Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm tỉnh Phúc Kiến (trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tháng 5-2017), khi về đến khách sạn đã là tối muộn. Để kịp gửi thông tin về tòa soạn, các phóng viên khẩn trương ngồi ngay tại sảnh "gõ" tin, bài, dù ai nấy đều đã thấm mệt. Lúc ấy, Chủ tịch nước mới kết thúc sự kiện cuối trong ngày, trở về nghỉ ngơi. Đi qua sảnh, thấy còn "người nhà mình" đang làm việc, Chủ tịch nước vẫy tay chào, tươi cười và động viên anh em phóng viên. Dù chỉ là những lời chia sẻ giản dị, nhưng qua đó có thể thấy, ông không bỏ qua bất cứ chi tiết nhỏ nào và ông đã góp phần truyền cảm hứng cũng như năng lượng để những người xung quanh làm việc thoải mái hơn, hiệu quả hơn.
“Hãy nói về kết quả của tập thể”
Năm 2017 là một năm bận rộn của ngành Ngoại giao, cũng là năm Việt Nam thành công rực rỡ trên lĩnh vực này, ghi dấu ấn đậm nét về một đất nước hòa bình, thân thiện, năng động và tham gia trách nhiệm vào các hoạt động quốc tế.
Trên cương vị là người đứng đầu và đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm và làm việc tại nhiều quốc gia. Trong những chuyến công tác này, lần nào Chủ tịch nước cũng để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế. Tháng 6-2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Chủ tịch nước gặp gỡ các cựu quân nhân Belarus đã từng giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Cuộc gặp gỡ diễn ra rất chân tình và gần gũi, để lại tình cảm ấm áp trong lòng những người lính già hôm đó...
Năm 2017 còn để lại dấu ấn quan trọng với Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25. Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế và các nước thành viên, APEC 2017 thành công rực rỡ và vai trò chủ nhà của Việt Nam được ghi nhận, đánh giá rất cao. Trong dịp ấy, dù biết mình đã mang bệnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn làm việc quên đêm ngày, trực tiếp nghiên cứu các văn kiện, vào Đà Nẵng, ra Hà Nội để tham gia, chủ trì các sự kiện bên lề. Suốt Tuần lễ Cấp cao APEC, hầu như ông không có thời gian nghỉ ngơi...
Bước sang năm 2018, trước dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tôi được Ban Biên tập phân công viết bài về Chủ tịch nước, gắn với những thành công trên mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị trong năm trước. Với sự tạo điều kiện của Văn phòng Chủ tịch nước, tôi đã được trực tiếp gặp Chủ tịch nước, trong không khí ấm cúng và gần gũi. Thế nhưng, khi vừa đặt vấn đề, Chủ tịch nước gạt đi: "Đừng nói về tôi!". Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, ông không muốn người ta nói về mình bởi hoạt động của ông chỉ là một việc nhỏ trong nỗ lực rất to lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn nhân dân; sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của tập thể, của các cơ quan, bộ, ngành mới là yếu tố quyết định...
Chủ tịch nước nói vậy thì phóng viên biết viết thế nào? Ông khẳng định ngay, hãy nói về kết quả của tập thể, từ sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc, toàn Đảng, bởi như ông khẳng định: "Có được những kết quả đó chính là bắt nguồn từ sức mạnh của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân với một quyết tâm chính trị rất cao".
Chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc điều ông nói, cũng như tâm nguyện của Chủ tịch nước, đó là: "Đại đoàn kết toàn dân là truyền thống quý báu, giúp dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích trong dựng nước và giữ nước. Nay, tinh thần đoàn kết ấy cần phải được phát huy mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh thực hiện những nhiệm vụ nặng nề đặt ra trước mắt và lâu dài, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và phát triển bền vững".
Giờ đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về cõi vĩnh hằng. Tâm nguyện đó của ông sẽ được toàn Đảng, toàn dân, các thế hệ tiếp bước thực hiện.
Theo Thành Tâm (HNM)