Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Nhiều năm qua, đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật trong các lĩnh vực như: điều trị bệnh, hỗ trợ phương tiện di chuyển, trợ vốn, tạo việc làm… Ðiều này mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị lớn.
Dự án “Tiếp cận vì sự hòa nhập của người khuyết tật” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh triển khai tại Bình Định với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ- USAID hé ra những bước đi đầu tiên về tiếp cận cho người khuyết tật (NKT).
Ý nghĩa và thiết thực
Giai đoạn 2015 - 2017, dự án đã xây dựng 13 hạng mục lối vào tại: Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (BTNKT & BVQTE) tỉnh, BVĐK TP Quy Nhơn, Trường THPT Quốc Học, UBND các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Mây, Trạm Y tế phường Thị Nại, Thư viện tỉnh, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, Trung tâm Công tác xã hội & Bảo trợ xã hội tỉnh... Các cơ quan, đơn vị trên sau khi được cải tạo đã thân thiện, phù hợp để NKT di chuyển, tiếp cận. Ngoài ra, Dự án còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác dành cho 1.550 NKT trong tỉnh.
Các hội viên khuyết tật Chi hội Khuyết tật Quy Nhơn đang sử dụng công trình tiếp cận dành cho người khuyết tật tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh.
Trước giờ chúng ta cứ nghĩ hỗ trợ cho người khuyết tật (NKT) đi học, hỗ trợ vốn cho NKT lập nghiệp, mưu sinh, tạo việc làm cho NKT vậy là đủ để NKT hòa nhập cộng đồng. Nhưng thật ra, chỉ có một số NKT thương tật nhẹ có thể di chuyển được, còn những NKT nặng thì chỉ mấy bậc thềm thôi, đã thấy cản trở họ quá nhiều. Ông Phan Thanh Dũng - Chủ tịch Hội BTNKT & BVQTE tỉnh chia sẻ: “Dự án DRD hỗ trợ mới xây dựng 13 công trình tiếp cận thôi, nhưng tôi thấy ý nghĩa và giá trị rất lớn. Từ khi có đường tiếp cận, anh em lui tới nhiều hơn, vào tới văn phòng Hội mà không nhờ bất cứ sự giúp đỡ nào từ chúng tôi”.
Anh Nguyễn Minh Châu - Chi hội Khuyết tật Quy Nhơn chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật nặng ở hai chân, phải ngồi xe lăn. Ngay như trụ sở Hội BTNKT & BVQTE tỉnh cũng có 3-4 bậc tam cấp, muốn vào tôi phải nhờ người bê lên, khổ lắm. Nên dù có việc phải đến Hội, nhưng bất đắc dĩ tôi mới đi. Từ khi có đường tiếp cận, tôi lăn xe lên tới tận nơi luôn. Nhìn đơn giản vậy nhưng tiện lắm, rất quý”.
Dự án tiếp tục mở rộng
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, sự tài trợ của USAID, giai đoạn 2 (2017- 2020) của Dự án tiếp tục được triển khai tại Bình Định. Theo đó, ít nhất có 1.800 người trong tỉnh được hưởng lợi. Tổng dự toán cho giai đoạn 2 của Dự án là hơn 8,8 tỉ đồng.
13 công trình hỗ trợ NKT vừa kể có sức lan tỏa, tác động khá lớn, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành đoàn thể trong tỉnh đã nhìn ra vấn đề tiếp cận là quan trọng, sẵn sàng phối hợp với chúng tôi tạo sự tiếp cận cho NKT. Đây được xem là tác động lớn nhất mà dự án đem lại. TS Võ Thị Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục phát huy các thành quả của giai đoạn trước dự án đem lại để thúc đẩy sự quan tâm, sự thay đổi, cách nhìn của mọi người trong xã hội về vấn đề tiếp cận cho NKT. Ta thay đổi được nhận thức, suy nghĩ thì sẽ thay đổi được hành động. Khi mỗi người đều nhìn nhận vấn đề tiếp cận là quan trọng với NKT, thì cánh cửa của việc học, việc làm, cuộc sống ổn định, tương lai sẽ mở ra với NKT”.
Được biết Giai đoạn 2 của dự án mở rộng thêm ở một số địa phương trong tỉnh, bên cạnh sự hỗ trợ từ dự án, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã quan tâm đến công trình tiếp cận cho NKT. Ông Phan Thanh Dũng tâm sự: Trong việc này, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể tự làm để giúp đồng bào mình chứ không cần chờ bất cứ dự án nào! Tôi nghĩ cơ quan, đơn vị nào cũng nên có công trình tiếp cận, tạo môi trường tốt để NKT hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, tỉnh Bình Định có 32.000 NKT. Nhu cầu hòa nhập cộng đồng của họ là rất lớn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn!
Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD - Disability Research and capacity development) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2005 dưới sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ Ford và hiện nay, DRD trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). DRD đặt mục tiêu giúp NKT tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống trong môi trường không phân biệt đối xử bằng cách nâng cao năng lực cho cộng đồng NKT và vận động chính sách.
LÊ DUYÊN