Vượt chỉ tiêu người dân tham gia BHYT: Vừa vui vừa... đau đầu!
Phấn khởi với tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao, sớm vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2018, nhưng đi cùng với đó, nỗi lo vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT tiếp tục là “cơn đau đầu” của ngành BHXH tỉnh.
Qua 8 tháng đầu năm 2018, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao (83,3%). Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng hoàn thành chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao (88,5%) trong những tháng còn lại của năm 2018 là hoàn toàn khả thi. Nhưng cùng với đó là nỗi lo vượt quỹ.
Việc áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị là một trong những nguyên nhân giúp tăng số lượng người tham gia BHYT.
Những tín hiệu tích cực
Theo ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, những tác động mạnh mẽ từ chính sách BHYT là nguyên nhân chính giúp Bình Định đạt được kết quả trên. Đó là chính sách giảm mức đóng BHYT theo tỉ lệ phần trăm cho các đối tượng hộ gia đình; hỗ trợ một phần mức đóng cho các đối tượng xã hội… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chính sách BHYT thay đổi tích cực nên nhiều người tự nguyện tham gia BHYT.
Để nâng độ bao phủ BHYT, ngành BHXH đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc gia đình hộ cận nghèo; vận động học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình tham gia BHYT; tăng cường công tác tuyên truyền về BHYT phù hợp với vùng miền, nhóm đối tượng; cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh BHYT… Ông Trần Văn Trung chia sẻ: “Hiện chúng tôi có khoảng 1.000 cộng tác viên là nhân viên đại lý thu. Họ tích cực đến từng gia đình tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc, thuyết minh về lợi ích của việc tham gia BHYT. Cùng với đó, việc linh động thời gian tham gia 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng để phù hợp với nhiều đối tượng cũng được áp dụng. Nhờ đó, số lượng hộ gia đình tham gia BHYT tăng lên khá nhiều trong thời gian qua”.
Tuy khá lạc quan về khả năng hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT trong năm 2018, nhưng ngành BHXH tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều nỗi lo. Đó là tỉ lệ tham gia của một số đối tượng như: sinh viên, công nhân lao động tại các DN tư nhân, người làm nghề nông - lâm - ngư - diêm nghiệp… còn thấp.
Tính đến hết tháng 8, vẫn còn trên 17.000 học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, làm ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là số sinh viên tham gia BHYT mới chỉ đạt 64%. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc đẩy mạnh thực hiện BHYT trong học sinh, sinh viên, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp tuyên truyền, triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2018 - 2019.
Kềm chế vượt quỹ nhưng phải đảm bảo quyền lợi bệnh nhân
Tính đến hết quý III/2018, có đến 29/33 cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT có khả năng vượt quỹ. Chỉ riêng TTYT các huyện, thị xã, thành phố: Tuy Phước, Tây Sơn, An Nhơn, Quy Nhơn là vẫn đảm bảo khả năng duy trì nguồn quỹ đến hết năm. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng lý do chung nhất vẫn là do dự toán thấp, cộng với tình trạng quá tải ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh, hiện số ngày điều trị nội trú trung bình ở đơn vị chỉ là 2,8 ngày, thấp nhất trong số các bệnh viện mắt trên toàn quốc. Chi phí trung bình điều trị nội trú cho một bệnh nhân là 4,29 triệu đồng, trong khi mức bình quân của cả nước là 5,6 triệu đồng/ca. Hiện Bệnh viện Mắt tỉnh điều trị ngoại trú trung bình 190 ngàn đồng/ca, còn mức bình quân của cả nước là 240 ngàn đồng/ca. Bác sĩ Triết bức xúc: “Tuy đã cố gắng hết mức, nhưng do có đến 95% bệnh nhân cần được phẫu thuật, nên khả năng vượt quỹ của Bệnh viện Mắt tỉnh trong năm 2018 khá cao. Cũng vì ngại vượt quỹ, thời gian qua chúng tôi không dám triển khai những kỹ thuật mới trong điều trị. Đây là một bất cập của chính sách BHYT”.
Có phần “dũng cảm” hơn Bệnh viện Mắt, BVĐK tỉnh sẵn sàng đưa kỹ thuật mới vào công tác điều trị. Chỉ riêng các thủ thuật can thiệp tim mạch và tiêu sợi huyết (đối với bệnh nhân tai biến, đột quỵ), trong 9 tháng đầu năm 2018 đã có hàng trăm bệnh nhân được điều trị. Chi phí điều trị cho những bệnh nhân tim mạch, đột quỵ khá lớn, mỗi ca tới hàng chục triệu đồng, cùng với đó, điều tréo ngoe là dự toán kinh phí giao cho BVĐK tỉnh năm 2018 lại thấp hơn năm 2017, do đó, việc vượt quỹ được xem là… hoàn toàn dễ hiểu. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, tâm tư: “Việc triển khai kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cần được khuyến khích. Bởi vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn áp dụng những phương pháp điều trị mới, hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, gây quá tải!”.
Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tiếp tục rà soát quy trình, kéo giảm số ngày điều trị trung bình, chỉ định cận lâm sàng và kê đơn thuốc hợp lý để hạn chế tình trạng vượt quỹ. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định: “Thực hiện những giải pháp trên chủ yếu để tránh tình trạng lạm dụng, chứ nhất định vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Đặc biệt, với những đơn vị đặc thù như Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, càng phải tuân thủ phác đồ điều trị cho đến khi bệnh nhân ổn định. Bởi nếu bệnh nhân khi chưa được điều trị dứt điểm sẽ có nhiều tác động không tốt đến cộng đồng”.
“Cũng vì ngại vượt quỹ, thời gian qua chúng tôi không dám triển khai những kỹ thuật mới trong điều trị. Đây là một bất cập của chính sách BHYT”.
Bác sĩ NGUYỄN THANH TRIẾT, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh
Sẽ kiến nghị bổ sung quỹ để bù đắp những khoản chi kỹ thuật cao
“Trong những tháng gần đây, qua công tác giám định, tình trạng lạm dụng chỉ định đã giảm đáng kể so với trước. Ðây là điều đáng mừng, nhưng các cơ sở y tế cần tiếp tục rà soát để hạn chế thấp nhất tình trạng vượt quỹ. BHXH chỉ xuất toán những chi phí phát sinh bất hợp lý trong quá trình khám chữa bệnh, còn với việc áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị không bị coi là lạm dụng. Chúng tôi sẽ kiến nghị bổ sung thêm quỹ để bù đắp vào những khoản chi như vậy”.
Bác sĩ HÀ THÚC CHÍ, Phó Giám đốc BHXH tỉnh.
LÊ CƯỜNG