Chậm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học: Thiếu cơ chế, vướng quy định
Dù đã rất nỗ lực, nhưng trên thực tế, sau nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học được ngân sách cấp kinh phí và đặt hàng vẫn là một khoảng trống thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một trong những điểm nghẽn quan trọng được chỉ ra là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN.
Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh chuyển giao kết quả nghiên cứu tại một cơ sở y tế ngoài tỉnh.
Nhà khoa học tự… thương mại hóa
Năm 2017, sau khi nghiệm thu, đề tài được tỉnh cấp ngân sách đặt hàng thực hiện về “Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh Bình Định” do TS Lê Thị Kim Nga - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng KH&CN (Trường ĐH Quy Nhơn) cùng cộng sự thực hiện, đã thương mại hóa thành công tại BVĐK Bình Định, BVĐK Phú Yên, BVĐK Bình Phước, Bệnh viên Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, TTYT TX An Nhơn; hiện đang thương thảo chuyển giao cho BVĐK Quốc tế Becamex Bình Dương (tỉnh Bình Dương), BVĐK Đắk Lắk, BVĐK Thiện Hạnh (Đắk Lắk), BVĐK An Phước (tỉnh Bình Thuận).
Đây là đề tài nghiên cứu hiếm hoi của tỉnh được thương mại hóa thành công với giá trị lớn từ 1 tỉ đồng/đơn vị trở lên. Nhưng, TS Nga cho rằng, quan trọng hơn là ở giá trị của sản phẩm nghiên cứu: “Cũng bởi muốn đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học đến gần hơn với cuộc sống, phục vụ cộng đồng, nên việc chuyển giao kết quả nghiên cứu chỉ là giữa chúng tôi và các cơ sở y tế, dưới hình thức “hợp đồng nghiên cứu khoa học”. Trong khi chúng tôi rất muốn kết quả nghiên cứu có cơ quan quản lý, làm “cầu nối” để thương mại hóa; còn để nhà khoa học tự làm thì quá khó!”.
Theo tìm hiểu, Sở KH&CN là cơ quan quản lý, đại diện cho chủ sở hữu nhà nước thực hiện giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu KH&CN cho tổ chức có nhu cầu (Trường ĐH Quy Nhơn - cơ quan chủ trì). Đầu năm nay, Sở KH&CN đã chủ trì mời Trường ĐH Quy Nhơn và các cơ quan liên quan họp để thống nhất phương án giao quyền, nhưng vướng vì chưa có cơ sở để thống nhất xác định giá trị kết quả nghiên cứu. Tháng 4.2018, khi cơ quan chủ trì đề nghị giao quyền đã thẩm định được giá trị kết quả nghiên cứu thì ngày 17.4.2018 UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc xử lý tài sản được hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách cho đến khi có nghị định Chính phủ.
“Ngày 15.5.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; nhưng đến nay, Bộ KH&CN chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì thế, Sở KH&CN chưa có cơ sở để triển khai việc giao quyền”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà cho hay.
Xây dựng cơ chế chuyển giao, tránh lãng phí
Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm mức chi cho KH&CN từ ngân sách đạt 1,51% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Không kể cấp cơ sở, mỗi năm tỉnh phê duyệt cấp kinh phí thực hiện 10 - 12 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh. Các đề tài nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh đều xuất phát từ những nhu cầu thực tế của các cấp, ngành; sau nghiệm thu đều được chuyển giao cho cơ quan chủ trì, hoặc cơ quan “đặt hàng” triển khai nhân rộng.
Tuy nhiên, xét về hiệu quả chung, chính lãnh đạo ngành KH&CN tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận, một số đề tài thể hiện tính phổ biến và nhân rộng không cao, chỉ nhằm giải quyết nhiệm vụ cụ thể của một số ngành, đơn vị. Một số ngành, đơn vị, địa phương, DN chưa chú trọng đầy đủ đến khâu nhân rộng kết quả nghiên cứu, nên hiệu quả trong các trường hợp này còn hạn chế. Số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học quy mô lớn, tác động đột phá đến phát triển KT-XH của tỉnh chưa nhiều, thiếu các đề tài mang tính “đặt hàng” của lãnh đạo tỉnh cho hoạt động KH&CN.
Giải bài toán này, nhiều ý kiến khẳng định, điểm nghẽn nằm ở cơ chế chính sách, môi trường pháp lý thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn Đỗ Ngọc Mỹ cho rằng, quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau từ yếu tố cá nhân, tổ chức chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển, các yếu tố thị trường của các sản phẩm và dịch vụ KH&CN cho đến cơ chế, chính sách của Nhà nước. Chính vì thế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường pháp lý cho nhà khoa học chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, đề cập việc quy định trách nhiệm về quản lý thương mại hóa các nhiệm vụ KH&CN đối với cơ quan quản lý KH&CN các cấp. “Cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần định hướng tích cực hơn để các tổ chức KH&CN, nhà khoa học hướng các nghiên cứu của mình vào sản xuất, đời sống. Không những thế, việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quản lý KH&CN cũng có ý nghĩa cấp thiết trong thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, bà Bình nhấn mạnh.
Cùng quan điểm phải có cơ chế, chính sách rõ ràng cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng còn gợi mở về việc xây dựng các mô hình liên kết, cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng các kết quả giữa nhà khoa học - nhà nước - DN là hết sức cần thiết.
Ở góc độ quản lý ngành KH&CN, ông Nguyễn Hữu Hà khẳng định: “Sở KH&CN đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan Trung ương, đặc biệt với Bộ KH&CN về vấn đề này. Gần đây nhất, trong buổi làm việc với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chúng tôi cũng tiếp tục kiến nghị tháo gỡ vấn đề này”.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, đặc biệt là Hội đồng KH&CN xác định nhiệm vụ; Hội đồng KH&CN chuyên ngành trong việc thẩm định đề cương nghiên cứu (tính cấp bách, cần thiết, tính thực tiễn, đối tượng tiếp nhận kết quả nghiên cứu, khả năng nhân rộng); phát huy cơ chế “đặt hàng” của lãnh đạo tỉnh, đặt hàng của DN và của ban, ngành của tỉnh. Có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng kết quả đề tài, dự án KH&CN cũng như việc kiểm tra, đánh giá ứng dụng sau nghiệm thu…
“Cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần định hướng tích cực hơn để các tổ chức KH&CN, nhà khoa học hướng các nghiên cứu của mình vào sản xuất, đời sống. Không những thế, việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quản lý KH&CN cũng có ý nghĩa cấp thiết trong thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.
Bà NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh
MAI HOÀNG