Nhiều lỗ hổng trong giao khoán bảo vệ rừng
Nhiều sai phạm xuất phát từ buông lỏng quản lý đã được chỉ ra qua hoạt động thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác giao khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2014 - 2017 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh và Tây Sơn.
Giai đoạn 2014 - 2015, các Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL) đã tiến hành ký hợp đồng giao khoán với các hộ gia đình và cộng đồng thôn thuộc các xã của 5 huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn với đơn giá nhận khoán từ 200 - 300 ngàn đồng/ha/năm. Giai đoạn 2016 - 2017, các BQL đã tiến hành thanh lý các hợp đồng giao khoán cũ, rà soát lại diện tích đã giao khoán, ký kết lại hợp đồng với đơn giá tiền công nhận khoán từ 200 - 400 ngàn đồng/ha/năm.
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác giao khoán bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Nhơn.
Giao khoán không đúng đối tượng
Qua thanh tra cho thấy việc ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng còn nhiều sai phạm; các hợp đồng nhận khoán còn thiếu biên bản giao nhận rừng tại thực địa, trích lục bản đồ từng lô, khoảnh, tiểu khu cho các hộ nhận khoán. Các hợp đồng với cộng đồng, nhóm hộ chỉ ghi tên người đại diện nhận khoán mà không ghi tên các thành viên của cộng đồng, nhóm; không ký lại hợp đồng khi người đứng tên hợp đồng nhận khoán đã chết; áp dụng đơn giá khoán cho các công trình trồng rừng hưởng lợi không đúng quy định…
Đáng chú ý, việc ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng của BQL Hoài Nhơn có rất nhiều sai phạm. Cụ thể, giao khoán không đúng đối tượng với diện tích 685 ha cho Hội CCB xã Hoài Thanh, Công an xã Hoài Hải và Hoài Phú, Ban CHQS các xã Tam Quan Nam, Hoài Phú, Hoài Mỹ. Bởi, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn khu vực biên giới không có dân cư sinh sống mới được nhận khoán bảo vệ rừng.
Tại BQL Phù Cát, việc ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng chưa được triển khai đúng đối tượng, số hộ nghèo và dân tộc thiểu số còn ít. Tại 3 xã Cát Chánh, Cát Hải, Cát Thành có 3 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, thuộc đối tượng được hưởng tiền khoán quản lý, bảo vệ rừng với mức 400 ngàn đồng/ha/năm; nhưng BQL lại ký hợp đồng giao khoán với các hộ người Kinh không thuộc diện hộ nghèo nên chỉ được hưởng theo chính sách khác (với mức 200 ngàn đồng/ha/năm). Tổng cộng tại 10 xã của huyện Phù Cát có tới 237 hộ không thuộc đối tượng ưu tiên được nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 9.215 ha.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Trưởng phòng Thanh tra 2 (Thanh tra tỉnh), Trưởng đoàn thanh tra, cho biết: “BQL Phù Cát còn ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho nhiều hộ với diện tích quá lớn (có hộ trên 100 ha), dẫn đến việc tuần tra, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn”.
Buông lỏng quản lý
Trong quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã làm việc với các hộ gia đình và cộng đồng thôn, nhóm hộ nhận khoán tại 5 huyện. Kết quả cho thấy công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng chưa được các BQL quan tâm đúng mức; công tác đôn đốc, tuần tra, truy quét để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng còn hạn chế. Các hộ dân được nhận khoán chỉ dọn phát tuyến, tuần tra bảo vệ 2 lần/năm và chỉ đi tuần tra bảo vệ rừng khi có thông báo tại khu vực nhận khoán giáp ranh. Thậm chí, một số hộ dân mỗi năm cũng chỉ đi phát tuyến 2 lần mà không đi bảo vệ phần diện tích được giao khoán.
Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng của các BQL cũng chưa được quan tâm đúng mức, thể hiện sự thiếu kiểm tra trong công tác quản lý. “Một số diện tích lớn, nhiều lô giao khoán bị tác động, không có rừng nhưng BQL không phát hiện, không trừ bỏ diện tích, không báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Nhiều nơi không có rừng nhưng các BQL vẫn nghiệm thu, thanh toán tiền công quản lý, bảo vệ dẫn đến việc chi khoán quản lý bảo vệ rừng không đúng quy định”, ông Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, công tác tài chính trên lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều sai sót khác. Đối với việc khai thác rừng trồng phòng hộ, huyện Hoài Nhơn có diện tích 76,49 ha, UBND huyện đã phê duyệt mức hưởng lợi hộ dân 85%, nộp bên giao khoán 15% và xác định giá bán gỗ khai thác là không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, còn chưa kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với chi phí thiết kế khai thác rừng phòng hộ với tổng số tiền 16,7 triệu đồng.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử lý kết quả thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác giao khoán bảo vệ rừng tại các BQL trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quyết định thu hồi hơn 928 triệu đồng từ các BQL rừng phòng hộ: Vĩnh Thạnh (hơn 374 triệu đồng), Phù Mỹ (gần 324 triệu đồng), Tây Sơn (gần 152 triệu đồng), Phù Cát (gần 50 triệu đồng), Hoài Nhơn (hơn 29 triệu đồng).
“Ðể khắc phục căn bản những tồn tại, cần bổ sung biên chế cho các BQL, bổ sung kinh phí để đo đạc, điều chỉnh lại diện tích giao khoán bảo vệ rừng theo công nghệ mới cho phù hợp với thực tiễn và bố trí kinh phí khoán quản lý bảo vệ rừng hằng năm kịp thời. Ðồng thời, đưa vào khoán mới với 12.600 ha chưa được thực hiện để đảm bảo rừng có người quản lý, bảo vệ”.
Chánh Thanh tra tỉnh NGUYỄN VĂN THƠM
MAI LÂM