An toàn giao thông đường thủy nội địa: Chưa hết lo
Hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng tàu, thuyền, ca nô ở tỉnh ta thời gian qua có xu hướng phát triển nhanh, nhưng chất lượng dịch vụ và yếu tố ATGT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hành khách và quy định của pháp luật.
Tuyến giao thông đường thủy từ thôn Thượng Giang 2 đến thôn Hữu Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) hoạt động tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
- Trong ảnh: Người dân qua sông Côn bằng thuyền vỏ nhôm gắn động cơ máy nổ.
Tàu, thuyền “nhiều không”
Trên địa bàn phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) có khoảng 32 tàu vỏ gỗ chở người và hàng hóa từ bến Hàm Tử đi Hải Minh và ngược lại, song đa số không còn đăng ký, đăng kiểm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, hướng dẫn nhưng các chủ phương tiện này vẫn cố tình chây ì, không thực hiện.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng, thừa nhận: “Chúng tôi đang rất lo khi ở địa bàn có nhiều đò ngang đã hết đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn đang hoạt động. Phường đã có nhiều văn bản báo cáo UBND TP Quy Nhơn về vấn đề này; đồng thời, kiến nghị Chi cục Đăng kiểm 4 hướng dẫn thủ tục, hồ sơ để các chủ phương tiện thực hiện việc đăng ý, đăng kiểm theo quy định. Song khó khăn hiện nay là đa số tàu chở khách được cải hoán từ tàu cá hoặc mua sang tay, không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ; phương tiện không có thiết kế nên không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm. Mặt khác, chi phí thực hiện công việc này khá cao khiến chủ tàu… “ngán””.
Trong khi đó, đối với chính quyền địa phương, công tác xử lý các trường hợp vi phạm cũng vướng vì phường chưa có người chuyên trách, phương tiện, bến bãi tạm giữ. Do đó, phường chủ yếu phối hợp với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông để xử lý. “Để quản lý chặt chẽ hơn, phường kiến nghị thành phố, cơ quan chức năng thành lập bến đò, phê duyệt phương án thành lập Tổ quản lý bến đò. Trong lúc chờ đợi, phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, học sinh khi đi đò phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn”, ông Tuấn cho hay.
Tại huyện Tây Sơn có tuyến giao thông đường thủy từ thôn Hữu Giang đến thôn Thượng Giang 2 (xã Tây Giang) dài 250 m; hai đầu tuyến là bãi cát, không có bến, nhà chờ. Tuyến này hoạt động chủ yếu đưa đón học sinh đi học qua sông Côn và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Phương tiện hoạt động là thuyền vỏ nhôm, gắn động cơ 12 mã lực, hiện không có đăng kiểm, đăng ký, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Tương tự, huyện Tuy Phước cũng có bến đò tại xóm 14, thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, chưa được cấp phép hoạt động, mặc dù đò ở đây hàng ngày chở hàng chục hành khách đi thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa và ngược lại. Các phương tiện vận chuyển khách ở đây hầu như không có các vật dụng bảo đảm an toàn như áo phao, phao cứu hộ…
Tiếp tục chấn chỉnh
Từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra giao thông Sở GTVT đã tổ chức hơn 35 lượt kiểm tra; qua đó, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trên 26 lượt phương tiện với số tiền phạt hơn 12 triệu đồng; đồng thời, đình chỉ hoạt động nhiều phương tiện.
Ông Trần Văn Ơi, Phó Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT, cho biết: “Để tiếp tục chấn chỉnh các sai phạm, đơn vị đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy nội địa; đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện tiến hành đăng ký, đăng kiểm phương tiện, tham gia các lớp đào tạo để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn về điều khiển phương tiện và trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ, phao cứu sinh trên tàu”.
Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, BĐBP, các địa phương có hoạt động giao thông đường thủy tăng cường kiểm tra về điều kiện của phương tiện vận chuyển hành khách, người lái và xử lý các hành vi vi phạm như: chở quá số người quy định, hành khách không mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi; lôi kéo, tranh giành khách tại bến, điểm đón khách… Đặc biệt, yêu cầu các tổ chức, cá nhân là chủ các phương tiện vận chuyển khách du lịch ven biển, đảo thực hiện việc gắn thiết bị giám sát hành trình, hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên các phương tiện vận chuyển khách để cơ quan chức năng dễ dàng trong công tác quản lý, giám sát.
Toàn tỉnh hiện có 17 bến, bãi, điểm đón - trả khách thủy nội địa, nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn (8 bến đò), Tây Sơn (3 bến đò), Tuy Phước (2 bến đò)... Tổng số phương tiện (tàu, thuyền, ca nô) đang hoạt động vận chuyển hành khách là 217 chiếc, tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn (163 chiếc), Tây Sơn (26 chiếc), Phù Cát (15 chiếc)...
TRỌNG LỢI