Vân Canh nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
Phòng GD&ÐT huyện Vân Canh đã và đang tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần tạo môi trường giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện.
Hướng dẫn các bé tập thể dục buổi sáng ở điểm trường làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh.
Năm học 2018 - 2019, huyện Vân Canh có 1.684 trẻ đến 5 tuổi đến trường (85 trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ, 1.599 trẻ mẫu giáo); các em được sắp xếp về 58 lớp ở 47 điểm trường. Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, các trường mầm non trên địa bàn huyện tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đảm bảo đủ điều kiện cho việc dạy và học.
Hệ mầm non ở Vân Canh hiện có 57 phòng học (49 phòng kiên cố và 8 phòng bán kiên cố), cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ; đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên, cấp dưỡng đều có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường khảo sát và phân loại sức khỏe trẻ để làm cơ sở lên kế hoạch phối hợp phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; phối hợp với Trung tâm y tế huyện, xã khám sức khỏe định kỳ 2 đợt/năm, đảm bảo 100% trẻ được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng theo cân nặng/chiều cao và thực hiện phòng bệnh cho trẻ theo mùa.
Mặc dù toàn huyện chỉ có 4 bếp ăn, nhưng với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên, cấp dưỡng, đến nay có 6/8 trường đã tổ chức dạy bán trú ở 23 lớp, với hơn 700 trẻ (đạt gần 42%). Ở khu vực miền núi, đây là một tỉ lệ tích cực. Chị Thanh Thị Tiễn, ở xóm 2, làng Canh Thành, xã Canh Hòa, chia sẻ: “Vợ chồng mình rất yên tâm khi gởi bé ở trường. Bé đi học sức khỏe tốt hơn, giao tiếp với mọi người dễ dàng hơn, lại biết hát, biết múa”.
Năm học này, Phòng GD&ĐT huyện tập trung triển khai chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa, đổi mới công tác quản lý hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” trong tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện; đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa trong trường mầm non để trẻ có thêm điều kiện học tập, vui chơi.
Cô giáo Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Vân Canh, cho biết: “Với quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường có thể huy động được thêm các nguồn lực từ các ban ngành, đoàn thể, cộng đồng và phụ huynh trong việc xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vốn nhút nhát, ngại giao tiếp”.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường có trẻ là người dân tộc thiểu số tiếp tục lên kế hoạch, phân phối chương trình, soạn giảng 15 phút làm quen tiếng Việt và lồng ghép vào các hoạt động hàng ngày để dạy trẻ, có bảng theo dõi sự phát triển từng cá nhân trẻ qua từng chủ đề theo 3 kỹ năng quy định; triển khai thực hiện thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh…
Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: “Ngoài các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, năm học này, Phòng GD&ĐT còn chỉ đạo các trường quan tâm giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; giữ vững và nâng cao kết quả đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở tất cả 7/7 xã, thị trấn”.
HẠNH PHÚC