Về một hình vị “vĩnh”
Trong tiếng Việt, ta thường gặp một số từ có chung hình vị (đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ) “vĩnh” như: vĩnh biệt, vĩnh cửu, vĩnh hằng, vĩnh viễn... Chúng đều là những từ Việt gốc Hán. Và dĩ nhiên, hình vị “vĩnh” tham gia cấu tạo nên những từ này cũng một hình vị gốc Hán.
Có một điều thú vị là trong tiếng Hán, chỉ có một chữ mà âm Hán Việt hiện nay là “vĩnh”. Chữ này thuộc bộ thủy, có nghĩa là “lâu dài, mãi mãi”. Khác với những hình vị gốc Hán khác (như “xuân”, “thu”, “hoa”, “quả”) khi vào trong tiếng Việt có thể trở thành hình vị tự do, “vĩnh” vào trong tiếng Việt chỉ là một hình vị phụ thuộc. Nó không thể đứng một mình với tư cách là một từ được mà phải tồn tại bên cạnh hình vị khác. Do vậy mà ta không gặp từ đơn “vĩnh” với nghĩa “lâu dài, mãi mãi” trong tiếng Việt.
Vào tiếng Việt, hình vị “vĩnh” bảo lưu được nghĩa của mình và quy định nét nghĩa “lâu dài, mãi mãi” cho những tổ hợp mà nó tham gia tạo thành. Chẳng hạn, vĩnh biệt có nghĩa là “chia ly mãi mãi”, vĩnh cửu, vĩnh hằng nghĩa là “mãi mãi, lâu dài” (vĩnh, cửu và hằng tương đương với nhau), vĩnh quyết nghĩa là “lời trăn trối trước khi xa nhau mãi mãi, tức là trước lúc chết” (quyết bộ ngôn, nghĩa là “lời trăn trối”), vĩnh viễn là “xa mãi mãi”… Trong ngày cưới, người ta thường chúc cô dâu chú rể câu vĩnh kết đồng tâm, nghĩa là “cùng một lòng, gắn bó với nhau mãi mãi”.
“Vĩnh” mang nghĩa “mãi mãi”, cho nên mang hàm ý trường tồn, bất diệt. Nó được xem là một mỹ tự. Cho nên, chữ “vĩnh” thường được dùng nhiều để đặt tên đất, tên người. Chẳng hạn, nước ta có các địa danh tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Long đều dùng chữ “vĩnh” này. Vĩnh Phúc có thể hiểu là “phúc lâu dài”, Vĩnh Long có thể hiểu là “hưng thịnh mãi mãi”. Hoặc như, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam là Bảo Đại có tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. “Vĩnh Thụy” trong tên húy của ông có nghĩa là “tốt lành mãi mãi”.
Ở Bình Định ta, có nhiều địa danh có yếu tố “vĩnh” như: huyện Vĩnh Thạnh, các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Quang, Vĩnh Thuận… Những địa danh này đều nói lên mong ước về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc lâu dài. Chẳng hạn, Vĩnh Thạnh có thể hiểu là “thịnh vượng lâu dài” (thạnh là biến thể của thịnh), Vĩnh Hảo có thể hiểu là “tốt đẹp mãi mãi”, Vĩnh Thuận là “thuận hòa lâu dài”…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ