Ngang qua miền khói
Ở Bình Định gần như cuộc nào có ăn là có bánh tráng. Bánh tráng giản dị thế nhưng phối vào đâu cũng hài hòa. Nghĩ về bánh tráng mà rồi chúng tôi rủ nhau thức dậy sớm, tìm đường đến với làng quê chuyên tráng bánh. Trời sang sáng một chút là quyện một màu bánh tráng lên khuôn tỏa khói. Cả làng!
Ảnh: TUẤN HẢI
Những người phụ nữ ở đó thường dậy rất sớm, làm việc trong gian nhà tầm mười lăm mét vuông. Họ ngồi bên một cửa sổ và những luồng nắng xiên xiên khói. Một tay họ cầm gáo dừa múc lên chút bột, một tay khác họ chỉnh lửa bằng cách chêm lửa, thêm củi vào lò. Gương mặt thấm mồ hôi ghé nghiêng vào nhìn lò lửa. Bên cạnh có một chiếc quạt máy nhỏ chạy chầm chậm. Tráng bánh cần người đàn bà chịu được sức nóng. Phải dậy sớm. Phải nhanh nhẹn trong cái thong thả. Phải kiên trì mà nhẹ nhàng. Nhưng có lẽ cũng không cực mấy với những đôi bàn tay quen tần tảo, những đôi chân quen đạp xe, loay hoay chỗ này chỗ kia.
Trong căn nhà đó, họ thường tráng gần một ô cửa nhỏ cho hơi khói bốc ra ngoài. Bên trong phủ đầy mùi bánh, mùi gạo, mùi bột, mùi mì. Vừa làm, các cô tráng bánh còn tranh thủ nói chuyện, tranh thủ nhìn ngó con gà quanh nhà, nhìn lũ ruồi có thể đậu lên bánh, nhanh tay phẩy nhẹ, nhìn ra cổng thấy nắng bắt đầu hưng hửng, nhìn xem ai đang đi chợ ngang nhà, nhìn đứa con đi học, nhìn chồng ra đồng. Tất tả trong cả ánh nhìn dù chỉ ngồi một chỗ.
Nếu đôi tay không mềm dẻo, không nhanh nhạy trở lửa, nếu không vớt bánh ra kịp thì bánh nhăn nheo. Nếu tay đổ bánh không đều không tròn thì méo mó. Úp vung không đủ nhiệt, mở ra ngay thì bánh chưa thành hình, lổ rổ bề mặt. Làm thế nào những người trẻ thấy được điều đó. Một người, một lò, một bánh… lần lượt qua tay hết cái này đến cái khác. Khói vẫn lượn ra ô cửa nhỏ. Bàn tay màu nâu cầm gáo dừa, nhỏ lên một ít bột. Chấm nhẹ gáo dừa, tán nhẹ ra khuôn…
Chúng tôi đứng nép mình trong một làn khói. Như bọn tôi thì làm sao mà biết được người ta có thể gắn bó với một nghề như thế. Một cuộc đời. Và một không gian. Từng ấy động tác. Ngày nào cũng thế, đúng như chính xác chỉ dành cho họ chứ không thể là ai khác. Phải bó mình cả ngày trong một không gian chật hẹp, trong khi khung cảnh chung quanh rộng lớn với ruộng đồng, đất trời… ắt hẳn phải là vì mưu sinh, vì nghiệp, vì truyền thống gia đình mới thung dung mà tráng bánh. Chịu được nóng, có đủ kiên trì có khi vẫn chưa đủ để ngồi mãi như thế, chắc là họ phải quen dần, chắc họ phải tìm thấy niềm vui nào đó, hạnh phúc nào đó trong từng động tác một, tỉ như cái cách họ khỏa bột để nó lan tròn ra thành chiếc bánh! Tôi nghĩ thế, hỏi họ họ chỉ mỉm cười thay cho câu trả lời.
Chúng tôi đi từ sớm mới tới được nơi ấy lúc họ bắt đầu nổi lửa. Và rời đi khi người ta bắt đầu mang những phên bánh ra phơi. Chúng tôi về phố, sau lưng khói lò bánh vẫn nhẹ nhõm lượn vào nắng, lấp lánh như nụ cười trẻ nhỏ.
MẪU ĐƠN