Ði tìm địa chỉ thực phẩm sạch
Loay hoay tìm thực phẩm sạch
Những thông tin được đăng tải rất nhiều trên phương tiện truyền thông về những vụ việc phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trên rau quả, chất tạo nạc, chất cấm dùng cho gia súc hay như gần đây nhất là việc các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều tấn thịt thối không rõ nguồn gốc đang lưu hành trên thị trường..., cứ khiến các bà nội trợ “rùng mình”. Thực phẩm không an toàn đang là vấn nạn được báo động.
NTD chọn mua các sản phẩm của các cơ sở sản xuất tại Bình Định ở cửa hàng Ngọc Liễu, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân.
Thế nhưng, thực phẩm nào là sạch. Mua thực phẩm sạch ở đâu. Nhiều bà nội trợ băn khoăn và luôn nghĩ cách để trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, 46 Nguyễn Hiền, TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Tôi bắt đầu quan tâm đến chất lượng thực phẩm từ khi mang thai và thay đổi thói quen chi tiêu cũng như cách lựa chọn thực phẩm cho bữa cơm gia đình. Thay vì ưu tiên chọn các sản phẩm nhanh, tiện lợi, đóng hộp dễ chế biến như trước đây, tôi dần chuyển sang tìm và sử dụng các sản phẩm thực phẩm sạch, hữu cơ, tuy giá có đắt hơn so với giá các mặt hàng ở chợ nhưng vì sức khỏe nên chấp nhận”.
Một số bà nội trợ ở thành phố có gia đình ở quê thì chọn cách mua thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc ở quê. Chị Trần Thị Lệ Hằng, 19 Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn, kể: “Nhà tôi thường hay nhờ ông bà ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, mua rau, củ quả, thịt gà, cá... đóng thùng gởi vô, rồi ra bến xe lấy hoặc nhà xe chở đến tận nhà, cũng rất tiện. Chi phí vận chuyển cộng vào giá thành sản phẩm vẫn rẻ hơn nhiều so với mua ở các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Quy Nhơn; hơn nữa nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, yên tâm hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có nguồn để mua thực phẩm sạch như gia đình chị Hằng. Do đó, đa số người tiêu dùng (NTD) phải tìm “địa chỉ” sạch trên thị trường. Được biết, toàn tỉnh chỉ có 5 cửa hàng nông sản rau củ quả các loại được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy, NTD cũng chỉ có thể yên tâm là các cửa hàng này có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân viên đã qua tập huấn, chớ cũng chưa có cơ quan nào quản lý chất lượng, xuất xứ các mặt hàng bày bán ở đây. Tất cả vẫn là sự mong chờ “chữ tín” của nhà cung cấp, sản xuất.
Thêm nhiều “địa chỉ” sạch
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã hướng đến thị trường thực phẩm sạch. Tại TP Quy Nhơn, trong năm 2018, hơn chục cửa hàng thực phẩm sạch được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của NTD. Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở NN&PTNT đã kiểm tra và công nhận hai điểm bán thịt heo sạch tại TP Quy Nhơn ở 76 đường Tôn Đức Thắng và Song Thủy (248 đường Xuân Diệu).
Ở các vùng nông thôn, cũng xuất hiện nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch, an toàn. Chị Ngọc Liễu, chủ cửa hàng thực phẩm sạch, nông sản, đặc sản và dinh dưỡng Ngọc Liễu ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cho biết: “Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Hội LHPN tỉnh và các sở, ban, ngành, tôi đặt hàng rất nhiều cơ sở sản xuất đặc sản, bún khô, bánh tráng ở tỉnh đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để mở cửa hàng này. Hiện nay, cửa hàng có trên 150 mặt hàng, từ bánh tráng nước dừa, bánh đậu xanh, bánh cốm gạo Hoài Nhơn; bún song thằn An Nhơn, bún khô Hoài Ân, trà dung Cazin Vân Canh; các loại mắm, cá khô ở Nhơn Lý, TP Quy Nhơn... Cửa hàng của tôi còn được Sở Công Thương hỗ trợ mở thử nghiệm đưa các loại đặc sản của Bình Định đến NTD ở Hoài Ân”.
Thêm nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch được mở ra là tín hiệu vui cho NTD ở Bình Định. Song để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc xử lý nghiêm những vi phạm; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, NTD cần phải kiên quyết “nói không” với thực phẩm trôi nổi, mập mờ xuất xứ, từ bỏ tâm lý thích sản phẩm giá rẻ và tạo dần thói quen chọn hàng hóa có thương hiệu, chất lượng.
HẢI YẾN