Phương pháp gen-bước tiến mới giúp diệt tận gốc bệnh sốt rét
Mới đây, các nhà khoa học tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) đã tìm ra một phương pháp điều chỉnh cấu trúc gen của muỗi, được kỳ vọng có thể diệt tận gốc muỗi mang mầm bệnh sốt rét tại các khu vực có nạn dịch hoành hành.
Theo Tiến sĩ Andrea Crisanti, trưởng nhóm nghiên cứu, họ đã thay đổi một chuỗi ADN trong muỗi đực để thay đổi đặc điểm di truyền của thế hệ muỗi ra đời sau đó. Muỗi cái sẽ không thể hút máu hay đẻ trứng trong khi muỗi đực vẫn mang và truyền gen đột biến cho các thế hệ tiếp theo. Kết quả mô phỏng trên máy vi tính cho thấy, quần thể muỗi gây bệnh sẽ không thể duy trì nòi giống và bị diệt vong sau khoảng 4 năm.
Muỗi mang mầm bệnh sốt rét. Ảnh: New York Times.
Trong phòng thí nghiệm, muỗi đực bị biến đổi gen đã triệt tiêu quần thể muỗi nuôi nhốt chỉ sau 7 đến 11 thế hệ. Tiến sĩ Crisanti cho biết, kết quả trên là “rất có triển vọng”.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, việc thả muỗi biến đổi gen vào tự nhiên chứa nhiều rủi ro do không thể ngăn chặn quá trình nếu xuất hiện sự cố đột biến hoặc sự cố ảnh hưởng về mặt di truyền đến các loại côn trùng có ích. Các nhà khoa học tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London khẳng định gen đột biến sẽ chỉ lan truyền trong quần thể các loài muỗi và ảnh hưởng xấu về mặt sinh thái là rất nhỏ nếu so với thiệt hại mà bệnh sốt rét gây ra cho con người.
Sốt rét là một trong những căn bệnh gây tử vong nhiều nhất thế giới. Trong năm 2016, chỉ riêng tại châu Phi đã ghi nhận 194 triệu ca mắc bệnh, khiến 445.000 người thiệt mạng.
Theo MINH TRÍ (QĐND)