Lưu ý khi nhịp tim chậm
Bệnh nhịp tim chậm là tình trạng tim đập quá chậm; khi nhịp tim chậm, tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để cung cấp oxy cho hoạt động bình thường của cơ thể hoặc khi tập thể dục. Kết quả là, người bệnh có thể thấy hoa mắt, mệt mỏi kéo dài, thở gấp hoặc choáng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm - Khoa Nội tim mạch (BVĐK tỉnh) cho biết: Nhịp tim thường giữa 60 - 85 lần/phút nhịp đều. Nếu nhịp tim chậm thì nhịp tim ít hơn 60 lần một phút. Bệnh nhịp tim chậm có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó, thường gặp nhất là do hội chứng nút xoang bệnh lý và block nhĩ thất cấp 2 - 3. Nhịp tim chậm ở mức độ nhẹ thường ít có triệu chứng, nên người bệnh rất khó phát hiện, chỉ khi nhịp tim đập quá chậm dưới 45 nhịp/phút, mới ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan khác, giảm lượng máu giàu oxy đi nuôi cơ thể, đặc biệt não bộ, có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng như cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng, hụt hơi, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, đau ngực, đánh trống ngực, tụt huyết áp. Nếu có triệu chứng chóng mặt, choáng váng, đau ngực thường xuyên người bệnh cần được thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời, phòng ngừa rủi ro.
Chứng nhịp tim chậm có thể được cải thiện tích cực bởi chế độ ăn và tập luyện, lối sống lành mạnh. Cụ thể bao gồm: Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, cá, và các loại thực phẩm bơ sữa ít béo hoặc không béo. Tránh hoạt động gắng sức nhưng nên tập thể dục nhẹ nhàng, điều độ như đi bộ, sẽ tốt cho tim mạch hơn. Giảm cân nếu đang có thể trạng béo. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
THU PHƯƠNG (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)