Lập hồ sơ sức khỏe điện tử: Cần thiết nhưng khó đảm bảo tiến độ
Ngành Y tế đang nỗ lực triển khai việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên mục tiêu 90% người dân được quản lý sức khỏe vào năm 2020 được cho là khó khả thi.
Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, ngành Y tế Bình Định đang triển khai thí điểm việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) cho công dân ở một số địa phương, với nguồn kinh phí do EU hỗ trợ một phần.
Nhiều lợi ích
Theo đó, mỗi công dân đều có một hồ sơ quản lý sức khỏe, theo dõi quá trình từ khi mang thai, sinh ra, lịch sử tiêm chủng, quản lý sức khỏe bệnh tật… Thông tin được nhập vào phần mềm, trong quá trình khám chữa bệnh sẽ tích hợp thông tin vào hồ sơ gốc, giúp các thầy thuốc nắm được thông tin về bệnh tật.
Đối với người thầy thuốc, HSSKĐT cung cấp đầy đủ các thông tin của bệnh nhân về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Kết hợp HSSKĐT với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
Với khối lượng công việc thường xuyên khá lớn, cán bộ, y bác sĩ tại các TTYT chỉ có thể tham gia khám sức khỏe, cập nhật thông tin hồ sơ sức khỏe công dân vào những ngày cuối tuần.
- Trong ảnh: Nhân viên TTYT huyện Hoài Nhơn thực hiện công việc thường ngày tại đơn vị mình.
Theo bác sĩ Hà Anh Thạch, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. HSSKĐT giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện. Bác sĩ Thạch cho biết: “Đối với công tác quản lý, việc triển khai HSSKĐT giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đối với BHYT, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có”.
Nhưng lắm băn khoăn
Theo kế hoạch ban đầu, Bình Định triển khai thí điểm lập HSSKĐT ở 4 huyện phía Bắc tỉnh gồm: Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão. Tuy vậy, theo Quyết định số 2619/QĐ-UBND ngày 2.8.2018 của UBND tỉnh, cả 7 huyện, thị xã, thành phố còn lại trong tỉnh cũng được triển khai thí điểm xây dựng HSSKĐT, tổng kinh phí cho chương trình này là 2 tỉ đồng.
Là một trong những địa phương được chọn triển khai thí điểm đầu tiên, ngành y tế huyện Hoài Nhơn đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở các cơ sở y tế xã, thị trấn. Bác sĩ Lưu Kim Hoàng, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn khám tổng quát cho người dân, cập nhật những thông tin liên quan đến sức khỏe. Trong đó, xã Hoài Hảo được chọn làm thí điểm vì có nhiều điểm thuận lợi về đặc điểm, thành phần dân cư, sự đồng tình của chính quyền địa phương”.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp TTYT huyện Hoài Nhơn, dự kiến, từ đầu tháng 10.2018 sẽ bắt đầu khám sức khỏe cho công dân, mỗi tuần khám 250 người, trong vòng một tháng sẽ hoàn thành thí điểm ở Hoài Hảo. Sau đó, cần thêm một khoảng thời gian để cập nhật dữ liệu cho những người được khám. Đa số các trạm y tế xã đều tích cực hưởng ứng chủ trương này.
Theo Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, mục tiêu đến năm 2020 sẽ quản lý 90% hồ sơ sức khỏe công dân. Đến năm 2025 có 100% công dân có hồ sơ sức khỏe cá nhân. Mục tiêu này được cho là không hề dễ bởi rất nhiều lý do. Theo nội dung công việc thì đoàn khám sức khỏe phải có đủ điều dưỡng và bác sĩ các chuyên khoa: nội, ngoại, mắt, răng, tai – mũi - họng, da liễu. Nhưng nguồn lực chủ yếu chỉ dựa vào TTYT huyện, trong khi những người này do vẫn phải tham gia vào các công việc thường xuyên, nên chỉ có thể khám vào 2 ngày cuối tuần. Trong bối cảnh thiếu bác sĩ như hiện nay, điều này rõ ràng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện. Dù không làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nhưng để tiến hành phỏng vấn bệnh nhân, khám sức khỏe thông thường, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin sẽ tốn rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể nguồn kinh phí tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ người dân trong tỉnh cũng không hề nhỏ. Cùng với đó, việc cập nhật chính xác lịch sử tiêm chủng của những người lớn tuổi rất khó khả thi.
Một khó khăn lớn nữa về mặt kỹ thuật là khả năng kết nối thông tin giữa các cơ sở y tế. Trong khi hầu hết các huyện phía Bắc tỉnh sử dụng phần mềm do Viettel cung cấp (được cho là tương thích với phần mềm tiêm chủng mở rộng, thanh toán BHYT… và những phần mềm khác đang được Bộ Y tế sử dụng), các huyện phía Nam tỉnh lại dùng phần mềm do VNPT cung cấp. Bên cạnh đó, cách thức bảo mật thông tin của người bệnh vẫn là một câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng.
LÊ CƯỜNG