Âm vang hào khí Tây Sơn miền đất Võ
Về đất võ Bình Định, tham quan Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ được biết đến Đội nữ Nhạc võ chuyên biểu diễn Trống trận Tây Sơn phục vụ du khách và trong các dịp lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa, lễ giỗ Quang Trung. Đây là nét độc đáo, làm nên bản sắc riêng, trở thành biểu tượng văn hóa của miền “đất võ, trời văn” Bình Định.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận biểu diễn trống trận Tây Sơn phục vụ du khách tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Thanh Thuận
Trống trận Tây Sơn còn được gọi bằng những tên khác như Trống trận Quang Trung, hay Nhạc võ Tây Sơn. Tuy nhiên, cái tên Trống trận Tây Sơn có sức thuyết phục hơn cả, bởi bao hàm được cả xuất xứ, tính năng, trong việc luyện võ, diễn xướng nhạc lễ trong lễ hội. Sinh thời, vua Quang Trung rất thích tuồng và trống trận nên ông thường cho sử dụng trống trong các dịp lễ, đăng quang hay xuất trận. Do thời gian và những cuộc binh lửa, chiến tranh liên miên, Trống trận Tây Sơn đã từng bị quên lãng. Cho đến khi khánh thành tượng đài vua Quang Trung tại Công viên Quy Nhơn (1977), Trống trận Tây Sơn chính thức trở lại.
Bộ nhạc võ Tây Sơn bao gồm 12 chiếc trống, xếp thành 3 bậc trên giá đỡ, phối hợp với trống chầu, sanh tiền, kèn, não bạt, mõ, chuông. Tiếng trống trận Tây Sơn không chỉ là hiệu lệnh, cổ vũ nghĩa quân, mà còn là những đòn thế xoáy sâu, đánh thẳng vào tâm lý của quân thù, góp phần làm nên thắng lợi. Trong toàn bộ màn biểu diễn Trống trận Tây Sơn, người xem dễ dàng nhận ra điều đặc biệt là không có hồi lui quân hoặc thu quân. Điều đó được bắt nguồn từ lịch sử chống ngoại xâm của vương triều Tây Sơn, cụ thể là hoàng đế Quang Trung - vị vua gắn liền với bài trống này. Đội quân Tây Sơn hừng hực xung trận với khí thế như chẻ tre, đánh trận nào là chiến thắng vang dội trận đó. Bởi chưa một lần thua trận nên đội quân Tây Sơn cũng chưa một lần phải lui quân, lùi bước trước kẻ thù.
Trống trận Tây Sơn được coi là một nghệ thuật âm nhạc độc nhất vô nhị của vùng đất võ Bình Định, có sức lôi cuốn mạnh mẽ với người xem. Nhịp điệu hào hùng, lại được biểu diễn bởi phái đẹp lại càng hấp dẫn người xem.
Tại Bảo tàng Quang Trung, người ta biết đến bà Nguyễn Thị Thuận (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) với hơn 30 năm đánh trống, cầm chầu trống trận. Nguyễn Thị Thuận là truyền nhân đời thứ 9 của một dòng họ truyền thống nhạc võ từ thời Tây Sơn. Từ nhỏ, bà Thuận đã được tiếp xúc với trống trận, từ đó yêu thích và say mê với bộ môn nghệ thuật này. Lớn lên, ghi nhớ lời cha dặn, bà Thuận luôn cố gắng gìn giữ những điệu thức trống trận Tây Sơn như một bảo vật của dòng họ, xứ sở. Bà được coi là người thể hiện thành công nhất Trống trận Tây Sơn từ trước đến nay. Với những cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, năm 2015, bà Nguyễn Thị Thuận được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Hiện tại, dù đã ở tuổi 58, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận vẫn giữ vai trò đánh trống chủ đạo trong bài biểu diễn trống trận Tây Sơn. Khi nhìn bà Nguyễn Thị Thuận đánh trống trận, người xem đều không hề cảm thấy dấu ấn của tuổi tác ở con người này. Từ đôi tay nhanh mạnh và biến ảo đến thần thái sắc lẹm, bà có khả năng thể hiện được đúng hồn cốt ẩn chứa trong tiếng trống trận Tây Sơn thuở khai sinh.
Với tâm nguyện lưu giữ và kế thừa giá trị truyền thống hào hùng này, bà Thuận đã truyền nghề cho cô con gái út của mình là Dương Thị Hương. Hương đang là thành viên trong Đội nhạc võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung. Bà Thuận đã rèn giũa cô con gái để có thể cầm chầu thay mẹ khi mẹ tuổi cao, để trống trận Tây Sơn không bị thất truyền.
Hiện nay, ở Bảo tàng Quang Trung, Trống trận Tây Sơn là tiết mục “trọng tâm” trong chương trình biểu diễn phục vụ du khách. Bảo tàng Quang Trung đang có dự án truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối. Nghe tiếng trống trận của nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, chúng ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới của khung cảnh trận mạc thời Tây Sơn với người anh hùng “áo vải” Quang Trung trực tiếp chỉ huy đội quân hùng mạnh ra trận, tiến đánh kẻ thù và ngân vang ca khúc khải hoàn ngày toàn thắng.
Theo Thanh Thuận (Biên phòng)