Đồng bằng sông Cửu Long: Du lịch nông nghiệp nhiều tiềm năng nhưng phát triển chưa xứng tầm
Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 1.10, tại An Giang.
Hội thảo do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND tỉnh An Giang, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức.
Khách du lịch trải nghiệm bắt cá tại Cồn Sơn, TP Cần Thơ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho hay, du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng vì đem lại nhiều giá trị nhiều mặt, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam. Với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê kông, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, các hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo. Ngoài ra mạng lưới sông ngòi kênh rạch dày đặc nên du lịch trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu cũng rất hấp dẫn du khách. Những năm gần đây, du lịch ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, ĐBSCL đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách, tăng trung bình 9%/năm.
Mặc dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách). Mức chi tiêu của du khách tại vùng ĐBSCL còn thấp hợp so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, du lịch ĐBSCL những năm gần đây phát triển mạnh mẽ nhưng tập trung chủ yếu ở những vùng ven biển, đô thị lớn có điều kiện kinh tế xã hội, đầu tư hạ tầng phát triển, đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, việc quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để đảm bảo thu hút đầu tư phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún… Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL có quy mô vừa và nhỏ, nên việc đầu tư cho phát triển du lịch gặp khó khăn...
Để thúc đẩy tiềm năng du lịch nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, cần phải đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên... Mặt khác, việc giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc của nền căn hóa nông nghiệp các làng quê, môi trường, cảnh quan, văn minh lịch sự tại các điểm du lịch nông nghiệp là đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, trong quản lý điểm đến phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia trong đó chú trọng lợi ích của người dân. Giá cả, dịch vụ và chất lượng phục vụ cũng cần được đảm bảo. Cuối cùng cần xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho việc quảng bá du lịch nông nghiệp của từng địa phương trên cơ sở giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Việc xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa vụ, sản vật địa phương....
Theo THÚY AN (QĐND)