Để tăng thể tích hiến máu tình nguyện: Tuyên truyền thuyết phục, vận động đúng cách
Bình Ðịnh hiện là một trong những địa phương có tỉ lệ người tham gia hiến máu tình nguyện thể tích 350 ml thấp. Trả lời được câu hỏi vì sao và đề ra giải pháp để nâng được tỉ lệ sẽ góp phần đảm bảo an toàn truyền máu ở tỉnh ta.
Thống kê của Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh thu được 1.293 đơn vị máu 350 ml trong tổng số 18.492 đơn vị máu đã hiến (gồm cả 250 ml/đơn vị và 350 ml/đơn vị), tỉ lệ 7%. Tại Chương trình Hành trình đỏ 2018, ở Kiên Giang 100% số đơn vị máu là 350 ml, ở Hải Phòng đạt 71,3%, TP Hồ Chí Minh đạt 66,2%, TP Cần Thơ đạt 60,8%, tỉnh Lâm Đồng 54,7%... Trong tổng số 1.902 đơn vị máu thu về, Bình Định có 328 đơn vị máu 350 ml (17,2%).
Việc nâng thể tích hiến máu trong thời gian tới của Bình Định sẽ không quá khó khi được tuyên truyền, vận động đúng cách.
- Trong ảnh: Người dân huyện Hoài Nhơn tham gia hiến máu tình nguyện tại Hành trình đỏ năm 2018.
Còn tâm lý e ngại
Trên mỗi phiếu đăng ký hiến máu tình nguyện đều có vị trí để người hiến máu lựa chọn thể tích hiến máu là 250 ml hay 350 ml. Theo quan sát của phóng viên tại mỗi đợt hiến máu tập trung, phần lớn tình nguyện viên đều chọn mức hiến 250 ml. Trả lời cho câu hỏi tại sao không đăng ký hiến máu ở thể tích 350 ml, những người lần đầu tham gia hiến máu đều lắc đầu. Phần nhiều trong số họ, việc vượt qua nỗi sợ trong lần hiến máu đầu tiên đã là quá sức. Vậy nên, hiến ở mức 250 ml là lựa chọn an toàn.
“Tâm lý e ngại của những người hiến máu xuất phát từ công tác tuyên truyền, vận động của chúng ta chưa thật tốt”.
Trong khi đó, phần lớn những người hiến máu nhắc lại đều cười trừ, lý giải là vì sợ hiến thêm 100 ml máu biết đâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tham gia hiến máu tình nguyện đã 3 lần, chị Nguyễn Thị T. (46 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) bộc bạch: “Không còn sợ hiến máu nữa nhưng mỗi lần tham gia hiến máu tình nguyện, tôi vẫn có không ít lo lắng. Nay tăng lên mức 350 ml, có khi nào tôi sẽ bị choáng, ngất xỉu không?”.
Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cũng thừa nhận tâm lý e ngại trên xuất phát từ công tác tuyên truyền, vận động của chúng ta chưa thật tốt. Đội ngũ vận động hiến máu tình nguyện cơ sở hiện mới tập trung vận động hiến máu theo kế hoạch chứ chưa quan tâm đẩy mạnh hiến máu thể tích 350 ml. Chưa kể, một bộ phận những người làm công tác vận động ở cơ sở chưa hiểu hết được vai trò, ưu điểm của hiến máu thể tích 350 ml.
Bác sĩ CKII Võ Đình Lộc, Phụ trách Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, cho biết: “Lâu nay, rất nhiều người mặc định là 1 đơn vị máu tương đương với 250 ml máu. Thực chất, trên thế giới, ngay cả các nước láng giềng trong khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia... một đơn vị máu của họ tương đương với 450 ml máu. Cách hiểu không chính xác này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của người hiến máu khi nghe vận động hiến ở mức 350 ml”.
Đả thông tư tưởng
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, khi bàn đến vấn đề tỉ lệ hiến máu 350 ml còn thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng: Với sự hưởng ứng hoạt động hiến máu tình nguyện như thời gian qua, việc Bình Định tăng tỉ lệ hiến máu thể tích 350 ml là không khó. Cái quan trọng là tuyên truyền và vận động đúng cách.
Đúng như đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, qua trao đổi với một số tình nguyện viên đã tham gia hiến máu ở mức 350 ml, họ đều khẳng định bản thân sẵn sàng ở các lần hiến tiếp theo ở mức 350 ml nếu đảm bảo điều kiện sức khỏe. Anh Lê Quang Khiêm, 28 tuổi, ở phường Bình Định, TX An Nhơn, cho biết: “Là giáo viên thể dục có cân nặng 60 kg, sau 3 lần hiến máu tình nguyện ở mức 250 ml, tôi đã mạnh dạn chọn mức hiến 350 ml. Sau đó, tôi nhận thấy sức khỏe vẫn hết sức ổn định, đáp ứng yêu cầu công việc”.
Cân nặng 52 kg, cô gái người dân tộc Jrai hiện là sinh viên năm 3 Trường ĐH Quy Nhơn, Ksor H’lan (quê ở tỉnh Gia Lai) kể: “Tôi cho rằng, nếu mình tăng thêm 100 ml máu mỗi lần hiến, biết đâu giúp thêm nhiều người. Trước đó, một chị ở chung phòng ký túc xá đã đăng ký hiến ở mức 350 ml và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vì vậy, ở lần hiến máu thứ 4 của mình (vào giữa tháng 9 vừa qua), tôi đăng ký mức hiến 350 ml”.
Chia sẻ về kế hoạch tăng tỉ lệ hiến máu 350 ml trong thời gian tới, ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, nói: “Giải pháp chính vẫn là tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức. Trước mắt, đối tượng được hướng đến để thay đổi nhận thức là những người hiến máu nhắc lại. Vừa qua, tại phiên họp trực báo về hiến máu tình nguyện, chúng tôi đã phổ biến nội dung này đến cán bộ cơ sở. Từ năm 2019, tỉ lệ hiến máu 350 ml sẽ được đưa vào kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện để các địa phương phấn đấu, tích cực hơn”.
"Cơ sở nào để vận động tăng thể tích hiến máu tình nguyện?
Theo bác sĩ CKII Võ Ðình Lộc, về mặt y học, cơ thể người có tối thiểu 90 ml máu/kg cân nặng. Mỗi người đều có thể hiến dưới 10% lượng máu trong cơ thể là không ảnh hưởng gì về mặt sinh học, tâm lý.
Thông tư 26/2013/TT-BYT về hướng dẫn hoạt động truyền máu quy định tiêu chuẩn hiến máu cũng quy định rõ người truyền máu là người đủ tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe và các điều kiện khác. Cụ thể, người có cân nặng ít nhất là 42 kg đối với phụ nữ, 45 kg đối với nam giới được phép hiến máu toàn phần. Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần. Người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 9 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần.
Nâng thể tích mỗi đơn vị máu lên 350 ml mang lại nhiều lợi ích: an toàn về miễn dịch cho người bệnh do không phải truyền máu từ nhiều người cho; giảm kinh phí cho người bệnh do giảm tiền sàng lọc, tiền xét nghiệm phản ứng hòa hợp…; sản xuất được nhiều các chế phẩm máu an toàn; tăng được lượng máu thu nhận với cùng một số lượng người tham gia hiến máu..."
NGUYỄN MUỘI
Tôi năm nay 44 tuổi, đã hiến máu tình nguyện 29 lần, trong đó có 15 lần hiến máu 350ml. Tôi xin khẳng định là cho dù hiến 250ml hay 350ml thì bản thân người đi hiến không hề thấy sự khác biệt nào cả. Nếu ai đó cảm thấy khang khác trong người thì đó là do cảm giác tâm lý lo lắng mà thôi. Lần sau tiếp tục hiến 350ml sẽ không còn thấy cảm giác khác lạ gì nữa. Tuy nhiên, xin góp ý với BCĐ HMTN của tỉnh là cần trang bị sẵn túi chứa máu loại 350ml trong những lần tổ chức HMTN, vì có những đợt tôi đăng ký hiến 350ml thì BTC cho biết là không có loại túi 350ml. Cái này cần khắc phục. Thứ hai, tôi đề xuất là: chúng ta cần làm vài tấm bảng panô, đặt tại sảnh khu vực đăng ký hiến máu, trên đó in hình ảnh minh họa, tuyên truyền cho mọi người hiểu về lợi ích của việc hiến máu 350ml. Trong đó, quan trọng nhất là giúp cho mọi người hiểu được rằng, việc hiến máu từ 350ml trở lên sẽ giúp cho Trung tâm Huyết học của BVĐK tỉnh có thể chiết tách được các thành phần có trong bịch máu 350ml đó, để dùng cho những bịch nhân khác. Ví dụ như: chiết tách huyết tương, tách tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu...Và mỗi lần chiết tách ra các thành phần như vậy có thể gọi là đủ dùng cho những bệnh nhân khác khi họ chỉ cần truyền một trong số các thành phần đó của máu. Nếu mỗi lần chiết tách như vậy mà dùng túi máu 250ml thì không đủ cho một mẻ. Còn lấy 2-3 túi máu loại 250ml để chiết cho đủ thì sẽ rất phức tạp, lộn xộn. Nói nôm na dễ hiểu là vậy! Xin ví dụ thêm: có bệnh nhân được bác sĩ chỉ định truyền Tiểu cầu, thì lâu nay chúng ta hầu như truyền luôn cho bệnh nhân đó một bịch máu toàn phần loại 250ml. Tức là trong đó có đủ cả các thành phần: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương. Như vậy, có thể nói là lãng phí, vì người ta chỉ cần truyền tiểu cầu, họ chỉ thiếu thứ đó mà thôi. Các bác sĩ của Trung tâm Huyết học và Truyền máu BVĐK tỉnh quá biết về sự lãng phí đó, nhưng biết làm sao được khi mọi người chỉ hiến túi máu 250ml, không đủ cho một mẻ chiết tách. Do đó, BCĐ VĐHMTN của tỉnh cần nghiên cứu in ấn các tấm panô này, hoặc các tời rơi để tuyên truyền giúp cho mọi người hiểu rõ hơn. Họ đã có sẵn tinh thần nhân ái, tình nguyện hiến máu rồi thì không tiếc gì 250ml hay 350ml máu đâu! Quý vị cứ làm thử đi sẽ thấy hiệu quả!