Phòng, chống cháy nổ ở cảng cá Tam Quan: Ðã có chuyển biến tích cực
Là nơi neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền các tỉnh trong khu vực, cảng cá Tam Quan nằm trên địa bàn xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, có số lượng tàu thuyền khá lớn, mỗi con tàu trị giá hàng tỉ đồng. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy luôn được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm.
Công an xã Tam Quan Bắc cùng BQL cảng cá tuyên truyền pháp luật về PCCC cho chủ tàu.
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Tam Quan vào những ngày cuối tháng 9. Tuy không phải lúc cao điểm tàu thuyền cập bến nhưng ước tính cũng có hơn 1.000 chiếc, chủ yếu là tàu gỗ, nhiều tàu công suất trên 1.000 CV, chuyên đánh bắt xa bờ. Anh Bùi Bình Hùng, Phó giám đốc cảng cá, cho biết, mấy ngày trước lượng tàu các nơi về bán hải sản và chuẩn bị hậu cần cho những chuyến ra khơi khoảng 2.000 chiếc, neo đậu chật kín. Đó là chưa tính khi có mưa bão, tàu thuyền các nơi vào tránh trú nhiều vô kể. Với diện tích mặt nước hơn 70ha nhưng nhiều nơi bị bồi đắp, luồng lạch bị lấp nên phạm vi neo đậu bị thu hẹp. Chính vì thế, nguy cơ và xử lý sự cố khi có cháy nổ là rất khó khăn. Mỗi con tàu khi chuẩn bị xuất bến có đến vài ngàn lít dầu, nhiều bình ga, ắc-quy và các vật dụng dễ cháy khác, tiềm ẩn hiểm họa cháy nổ. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, đã xảy ra 5 vụ cháy lớn, thiệt hại hàng chục tỉ đồng, cũng may chưa có thiệt hại về người.
Từ thực tế đó, Ban quản lý (BQL) cảng cá Tam Quan đã xây dựng phương án PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”. Đội dân phòng xã Tam Quan Bắc là lực lượng nòng cốt, có 36 thành viên do Trưởng CA xã làm tổ trưởng, chia làm 2 tổ, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, trong đó 6 tổ viên là chủ thuyền chuyên làm dịch vụ cung cấp nước ngọt cho các tàu thuyền, 1 ca nô có trang bị máy bơm. Đội PCCC cảng cá cũng xây dựng một tổ gồm 10 người, trong đó có 1 xuồng trang bị hệ thống chữa cháy, 3 chủ thuyền luôn có từ 10- 15m3 nước ngọt cung cấp cho các tàu, trang bị máy bơm. Ông Nguyễn Tám, tổ dân phòng đồng thời hành nghề cung cấp nước ngọt cho các tàu thuyền cho biết: “vì cuộc sống mưu sinh chúng tôi luôn có mặt thường xuyên ở cảng cá nên là người phát hiện cháy đầu tiên. Khi có cháy sẽ huy động các tàu cơ động tham gia, sử dụng số nước hiện có phục vụ chữa cháy ban đầu, khống chế đám cháy, không để cháy lan sang các tàu bên cạnh”.
BQL cảng cá còn in các nội dung cảnh báo dán từng tàu để tuyên truyền nhắc nhở, hướng dẫn cho chủ tàu PCCC và kỹ năng xử lý tình huống dập tắt đám cháy ban đầu. Ông Phạm Bạn, chủ tàu cho biết: “Con tàu là tài sản của gia đình nên khi neo đậu phải luôn có người trông coi để bảo vệ tài sản và xử lý sự cố cháy nổ kịp thời, đồng thời trang bị đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định. Nếu nguy cấp thì gọi cho Trạm biên phòng và Cảnh sát PCCC để kịp thời ứng phó”.
Từ 2 năm nay, Cảnh sát PCCC đã bố trí Đội chữa cháy với 10 cán bộ, chiến sĩ thường trực ngay tại cảng cá. Ngoài một xe chữa cháy, đơn vị còn bố trí một ca nô chuyên dụng, trang bị máy bơm công suất lớn để cơ động chữa cháy trên sông nước. Thượng úy Võ Văn Thơm, Đội trưởng cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với BQL cảng cá, Trạm biên phòng tuyên truyền, nhắc nhở bà con cảnh giác, trên tàu luôn có người trông coi tàu thuyền, tắt các nguồn điện, ngắt các thiết bị điện kết nối với bình ắc quy, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt nhất là trong việc thắp nhang thờ cúng”.
Trạm biên phòng cũng trang bị 1 ca nô công suất 85CV và 2 máy bơm thường trực tại cảng cá. Khi có tin báo cháy sẽ phối hợp với các lực lượng nhanh chóng dập tắt đám cháy. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con ngư dân nâng cao ý thức và trang bị dụng cụ PCCC; hướng dẫn cách neo đậu và cách thức di dời tàu thuyền nếu có cháy nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Kiên quyết không làm thủ tục xuất bến nếu tàu thuyền không đảm bảo an toàn về PCCC.
DANH NHÂN