“400 năm chữ Quốc ngữ tại Bình Định (1618 - 2018): “Uống nước nhớ nguồn”
Việc các giáo sĩ Dòng Tên đến và lập cư sở tại Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước ngày nay) bắt đầu quá trình phôi thai, hình thành chữ Quốc ngữ đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, công nhận. Do vậy, nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, những việc làm, hành động cụ thể để tôn vinh những người tiên phong trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ được đề cập đến khá nhiều.
Ngoài công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên (Francesco Buzomi (người Ý), Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha)) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha) do Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng, tại Bình Định chưa có công trình nào khác tôn vinh những người có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Năm 1618, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón các giáo sĩ phương Tây: Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Francisco de Pina từ Hội An vào Quy Nhơn rồi đưa về lưu trú tại Nước Mặn. Tại đây, để giao tiếp với người Việt, các giáo sĩ dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt. Từ đây chữ Quốc ngữ bắt đầu phôi thai.
Trong lời giới thiệu tập Kỷ yếu Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” diễn ra vào 13.1.2016 tại TP Quy Nhơn, nhà sử học Dương Trung Quốc viết: “Đặc biệt, trong quá trình hình thành chữ viết của tiếng Việt từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự Latin (chữ Quốc ngữ), có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định. Đó là việc vua Quang Trung chính thống hóa chữ Nôm trong các văn bản nhà nước. Đó là việc quan trấn phủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa, các “văn nhân” tại Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định ngày nay) cùng các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII; Nhà in Làng Sông - Quy Nhơn là nơi phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX”.
Cũng tại Hội thảo, GS Phan Huy Lê nhận định: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn (Bình Định), Hội An, Thanh Chiêm (Quảng Nam), trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”.
Nói về những người có công hình thành chữ Quốc ngữ, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT tỉnh) cho biết: “Nước Mặn là thương cảng lớn của Đàng Trong nên các giáo sĩ đề nghị ông Trần Đức Hòa đưa về đây để sinh sống, giao lưu, tiếp xúc với tàu buôn. Tại đây, cha bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên quốc tịch Ý và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phiên âm, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ”.
Năm 2011, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên (Francesco Buzomi (người Ý), Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha)) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha). Công trình biểu tượng này mượn dáng cây cổ thụ có nhiều nhánh, biểu trưng cho nguồn cội, sự phát triển của Công giáo và Quốc ngữ bắt đầu phôi thai từ nơi này. Tuy nhiên, ngoài điều này, hiện tại vẫn chưa có một việc làm, hành động nào cụ thể để tưởng nhớ đến công lao của những người đã phôi thai chữ Quốc ngữ tại Bình Định.
Theo nhà thơ Thanh Thảo - người đã tham gia nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề “nguồn gốc chữ Quốc ngữ” - ở Quảng Nam người ta cũng đã có nhiều hành động cụ thể nhằm tôn vinh những người có công hình thành nên chữ Quốc ngữ, Bình Định được xem là nơi chữ Quốc ngữ hình thành sớm hơn, cụ thể là tại Nước Mặn, Bình Định còn có nhà in Làng Sông, nơi đưa chữ Quốc ngữ phát triển, đây là lợi thế của Bình Định, vì vậy nếu đặt tên đường hoặc tên công viên bằng tên của những thừa sai có công đầu với chữ Quốc ngữ là việc làm tốt đẹp, đúng truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Cùng quan điểm như vậy, ông Thái Ngọc Bích, nguyên Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết, được xem là trung tâm ra đời đầu tiên của chữ Quốc ngữ là một vinh dự lớn của tỉnh Bình Định, do đó việc lấy tên những người có công lao phát minh ra chữ Quốc ngữ đặt tên đường phố ở Quy Nhơn, Tuy Phước... là việc nên làm. Điều này không những để tri ân những người có công đối với chữ Quốc ngữ mà còn góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch cho tỉnh nhà.
Đáng chú ý là tại Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” có nhiều đề xuất liên quan đến việc ghi nhận đóng góp lớn lao của những người phát minh ra chữ Quốc ngữ tại Bình Định, điển hình có: Xây dựng một Bảo tàng chữ Quốc ngữ ở Bình Định, tổ chức Lễ hội chữ Quốc ngữ như một điểm nhấn trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã được tổ chức ngày 30 tháng Giêng và mùng 1, 2 âm lịch hằng năm tại chính nơi nó được sinh ra… Bên cạnh đó, việc ghi nhớ tôn vinh những người tiên phong trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ là việc làm cần thiết, thể hiện năng lực tiếp nhận và phát triển văn hóa của người Bình Định, một cách giúp gắn kết tình cảm của Bình Định với du khách quốc tế, đặc biệt là người Ý, Bồ Đào Nha, Pháp…
THẢO KHUY