Bảo kê ở chợ Long Biên có phải là cá biệt?
Hãy nghe những người bán hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè chia sẻ… để biết họ phải chi trả như thế nào để tồn tại?
Tình trạng bảo kê, thu tiền đỗ xe trái phép ở chợ Long Biên được đưa lên báo chí không mấy ai bất ngờ mà chỉ thán phục lòng dũng cảm của nữ phóng viên và các cộng sự, đã dám đối đầu với một thế lực “đen”, phanh phui những việc mà không phải nhà báo, phóng viên nào cũng dám làm.
Chợ đầu mối Long Biên (ảnh ktđt)
Tôi chứng kiến cảnh đội trật tự một phường ở Hà Nội đi lập lại trật tự vỉa hè, thu hết rau quả, cân, ghế ngồi… của mấy bà bán hàng rau quả, cho lên xe, chở về phường. Các bà các chị chẳng tỏ ra sợ sệt mà chỉ bày tỏ sự bực tức, khó chịu. Bởi, hôm nay coi như công toi cả ngày. Vì chỉ một lúc sau, họ lên phường chịu “phạt hành chính” là lại mang hàng, mang đồ về bày bán như thường. Và hàng ngày họ vẫn sống chung với những chuyện như thế. Có lẽ, đây chính là nguyên do khiến các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, không thể dẹp được nạn buôn bán trên vỉa hè.
Chắc hẳn mọi người còn nhớ, hồi tháng 3.2017, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung công khai phát biểu: "Tôi thống kê trong hơn 180 quán bia trên vỉa hè Hà Nội, hơn 150 quán có công an đứng đằng sau". Đấy mới chỉ là thống kê sơ sơ mấy quán bia thôi, còn nhiều lĩnh vực kinh doanh màu mỡ khác như bãi đỗ xe, nhà hàng… thì ghê gớm cỡ nào, liệu các vị lãnh đạo có biết?
Những người đi buôn, đi bán hàng, ngoài câu cửa miệng “buôn có bạn, bán có phường” thì cũng không quên câu “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Thổ công và hà bá ở đây với họ không phải chỉ là những người có chức trách, nhiệm vụ quản lý khu vực họ buôn bán, mà họ còn là những người mà những kẻ buôn thúng bán mẹt đến kinh doanh lớn phải nể sợ, phải lo lót để được yên thân.
Chỉ lạ một điều, thực tế này diễn ra phổ biến, dân thấy mà sao các lãnh đạo không thấy? Không lẽ, những người lãnh đạo cơ sở, và gần nhất là những vị cảnh sát khu vực không nắm được được thực tế này để đề xuất giải pháp xử lý?
Nguồn lợi “khủng” từ thu bất chính, ngoài sổ sách của những “ông trùm”, những tay anh chị, đã khiến họ coi thường và sống trên luật pháp, ngoài vòng pháp luật.
Sau những sự vụ như thế này, việc xử lý cần phải nghiêm khắc, “đến đầu đến đũa” thì mới có sức răn đe. Còn cứ áp dụng mãi một công thức điều chuyển, phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm thì hết Bá Kiến này “chết” thì lại có Bá Kiến khác lên thay.
Luật pháp của chúng ta không thiếu các qui định để xử lý các hành vi như vậy nhưng vì việc thực hiện không nghiêm, lợi ích nhóm chi phối… nên dẫn đến nhờn luật.
Chúng ta có xử lý nghiêm, thay người và thay đến khi nào có người làm được thì thôi?/.
Theo An Nhi (VOV.VN)