Liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Ðừng để chỉ là... phong trào!
Một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được hình thành, nhưng sự kết nối còn yếu, chưa tạo được liên kết mạnh các yếu tố thành phần, cũng như liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Các nhóm dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng KNĐMST vùng DHNTB&TN năm 2018.
Bài toán trên đã phần nào có câu trả lời tại Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018” (Techfest vùng DHNTB&TN) vừa được Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp Sở KH&CN tỉnh Bình Định tổ chức. Đây là lần đầu tiên Bình Định phối hợp tổ chức một sự kiện lớn như Techfest vùng DHNTB&TN, nhằm cụ thể hóa việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18.5.2016.
Chuyển động tích cực
Theo TS Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Ươm tạo và phát triển DN KH&CN (Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN), Đề án 844 đặt ra 11 nội dung hỗ trợ thuộc 3 nhóm hỗ trợ cơ bản: thúc đẩy liên kết trong cộng đồng khởi nghiệp; nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cần thiết và đặc thù cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương cùng vào cuộc.
Tại Bình Định, một hệ sinh thái KNĐMST dần được hình thành, tạo được “liên kết mạnh” để thúc đẩy khởi nghiệp. Hai năm qua, hàng loạt các nội dung, sự kiện, chương trình được tổ chức nhằm liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. “Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực đạt giải từ Chương trình Ươm tạo DN năm 2017 đang trong quá trình ươm tạo đến nay đã có những bước phát triển rõ rệt như: Dự án nâng tầm bánh ít lá gai, dự án cộng đồng rau sạch Chân nhân và dự án Quy Nhơn Discovery đã thành lập DN và đi vào hoạt động”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà cho hay.
Khẳng định đi tiên phong trong khu vực, với sự tư vấn của các chuyên gia về khởi nghiệp trong nước và quốc tế, chính quyền TP Đà Nẵng đã có những chính sách mạnh mẽ và cách làm sáng tạo, dựa trên điều kiện và thế mạnh của địa phương để xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động. Tính đến cuối năm 2017, Đà Nẵng đã có 6 vườn ươm DN, trung tâm ươm tạo khởi nghiệp và 6 CLB tại các trường ĐH, CĐ; các đơn vị đã ươm tạo gần 50 dự án khởi nghiệp tiềm năng, hỗ trợ hơn 100 dự án bằng công tác đào tạo, truyền cảm hứng của các vườn ươm, trung tâm ươm tạo, CLB khởi nghiệp… Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Trần Văn Hòa cho hay: “Từ chỗ tạo lập được môi trường phát triển KNĐMST, nhiều ý tưởng được ươm tạo, nảy mầm, bắt đầu gặt hái thành quả nhất định. Một số dự án đoạt giải cao trong các cuộc thi KNĐMST cả nước, một số khác đã thành công trong việc gọi vốn đầu tư”.
Trong khi đó, dù “sinh sau đẻ muộn” khi Hệ sinh thái KNĐMST mới xây dựng từ năm 2017, nhưng tỉnh Quảng Nam đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với các hoạt động hợp tác, liên kết phục vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Quảng Nam ký kết hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đến năm 2025 với TP Đà Nẵng; ký kết chương trình hợp tác khung đến năm 2025 với CLB Đầu tư & Khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ khởi nghiệp DN KH&CN, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh...
Cần “bắt tay” liên kết
Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng rõ ràng hệ sinh thái khởi nghiệp vùng DHNTB&TN còn rất sơ khai, chưa hình thành rõ nét; có nơi sôi động, nhưng không ít chỗ im ắng!
Theo ông Nguyễn Hữu Hà, chúng ta cần có kế hoạch chiến lược phát triển rõ ràng cho từng địa phương và vùng, cần liên kết để khai thác và bổ sung những điểm mạnh, tiết kiệm các nguồn lực, hướng đến mục tiêu và hiệu quả với thời gian ngắn nhất. Cần khuyến khích mạnh mẽ hơn cho sự liên kết và hợp tác công tư, kết nối cộng đồng DN, các nhà đầu tư cho việc hỗ trợ khởi nghiệp.
Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh cũng khẳng định, định hướng quan trọng trong hoạt động xây dựng hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh là tăng cường chương trình hợp tác xây dựng hệ sinh thái đã có; mở rộng kết nối, hợp tác với các tổ chức hỗ trợ KNĐMST trong cả nước.
Theo ông Trần Văn Hòa, thay vì tập trung phát triển Hệ sinh thái KNĐMST, xây dựng vườn ươm DN ở tất cả các tỉnh, thành phố, Bộ KH&CN nên xem xét phát triển theo mô hình vùng miền để tập trung nguồn lực. Tại mỗi vùng sẽ chọn một tỉnh, thành phố làm trung tâm KNĐMST của vùng và tập trung nguồn lực của bộ, tỉnh, thành phố đó để phát triển hệ thống các vườn ươm, các trung tâm hỗ trợ KNĐMST. “Các tỉnh, thành phố còn lại sẽ tập trung phát triển phong trào KNĐMST trên địa bàn mình và lựa chọn, giới thiệu các dự án khởi nghiệp tiềm năng cho các vườn ươm DN của thành phố trung tâm ươm tạo”, ông Hòa đề nghị.
TS Đào Quang Thủy cho biết: Bộ KH&CN sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực; đặc biệt đối với Bộ GD&ĐT, Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
“Chưa bao giờ những từ “khởi nghiệp”, “đổi mới sáng tạo” được nhắc đến nhiều như thế này, nhưng quan trọng hơn là chúng ta đừng để nó chỉ là… phong trào. Hệ sinh thái KNÐMST muốn phát triển không thể là sự đơn lẻ”.
Ông TRẦN XUẤT ĐÍCH - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN
MAI HOÀNG