Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi còn chung chung, chưa có nhiều đổi mới
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn còn chung chung, chưa thực sự thể hiện được sự đổi mới một cách toàn diện giáo dục.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhận định này được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2.10.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) qua nhiều lần góp ý, đến nay có hai điểm mới đáng ghi nhận. Đó là chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cho trẻ em, học sinh thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Góp ý tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các nội dung quy định trong dự thảo Luật chưa có nhiều đổi mới, đặc biệt là về tính chất, nguyên lý giáo dục còn chung chung. Đồng thời, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn còn quá nhiều nội dung giao cho Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Luật nên quy định rõ ràng để có thể triển khai thực hiện ngay; quy định về tính chất, nguyên lý giáo dục cũng cần phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu hơn. Đồng quan điểm, bà Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa có nhiều đổi mới. Luật nên đề cập sâu hơn đến các đối tượng nhà trường, nhà giáo, người học, làm sao phải thể hiện được dấu ấn của giáo dục. Đồng thời, dự thảo Luật cũng chưa đề cập rõ ràng các vấn đề về hội nhập giáo dục, về văn bằng, chứng chỉ được công nhận thế nào trên quốc tế. Bà Trương Thị Hòa nêu ý kiến cần cân nhắc việc đưa nội dung “nhà giáo không được có hành vi ép học sinh học thêm để thu tiền” vào trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bởi đây không phải là hiện tượng phổ biến mà chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh"; nếu đưa vào Luật sẽ khiến xã hội nghĩ khác đi về hình ảnh nhà giáo. Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định các trường phải đảm bảo về sĩ số học sinh/lớp đúng chuẩn, bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp. Đối với các địa phương tập trung đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ không thể đảm bảo được theo quy định, bởi số học sinh hàng năm tăng cao, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động học tập và chất lượng giáo dục. Vì vậy, Luật nên có quy định cụ thể về cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp như thế nào đối với các địa phương đặc thù như Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền học tập của mọi học sinh được học trong môi trường đạt chuẩn. Một số đại biểu cho rằng sách giáo khoa, chương trình học là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của cả hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, các vấn đề này trong dự thảo Luật còn chung chung và khá mờ nhạt. Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, các đại biểu cho rằng lĩnh vực giáo dục cần phải đẩy mạnh xã hội hội hóa, trong đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống trường tư thục ở bậc trung học phổ thông, còn ngân sách nhà nước cố gắng đầu tư cho các bậc học mang tính phổ cập./.
Theo THU HOÀI (TTXVN/VIETNAM+)