Xử phạt vi phạm trong giáo dục bằng tiền: Sẽ gia tăng áp lực cho giáo viên
Nội dung Quy định tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể học sinh có thể bị phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng và xin lỗi.
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến xã hội. Một trong những nội dung Quy định trong dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội và giáo viên đó là: tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể học sinh có thể bị phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng và phải xin lỗi công khai. Nhiếu ý kiến cho rằng đây là mức phạt quá nặng và dễ gây áp lực cho giáo viên khi đứng lớp.
Nhiều ý kiến khác nhau về việc phạt và xin lỗi công khai đối với giáo viên phạt học sinh (Ảnh Webtretho).
Theo Dự thảo Nghị định, lần đầu tiên nhiều hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân làm việc trong ngành giáo dục được cụ thể hóa tương ứng với các mức xử phạt hành chính cụ thể, trong đó hành vi ép buộc học sinh học thêm bị phạt từ 8 triệu đến 10 triệu đồng, hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể của nhà giáo, người học bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Ngay sau khi dự thảo được Bộ GD-ĐT ban hành để lấy ý kiến, vấn đề xử phạt giáo viên bằng tiền nếu có hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể của người học (Điều 32) đã khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, trong môi trường giáo dục, ngoài việc yêu thương học trò thì các nhà trường đều có kỷ luật riêng, kỷ luật càng nghiêm thì hiệu quả càng tốt. Nếu đưa ra các quy định mang tính cứng nhắc sẽ khiến giáo viên khó điều chỉnh được hành vi chưa đúng của học sinh: “Chúng ta vẫn nói là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” và học sinh ngày nay rất tinh quái và có những trường hợp các em làm cho thầy cô giáo thực sự bức xúc và không kiềm chế được do những hành vi, rồi lời nói, rồi cách biểu hiện quá cái giới hạn giữa thầy và trò. Thầy và trò thì bây giờ chúng ta hướng đến sự tôn trọng và bình đẳng, tuy nhiên do là lứa tuổi đang hình thành nhân cách cho nên là các em nhiều khi nhận thức cũng không được đúng. Riêng mục này chúng ta cũng cần có điều chỉnh, làm sao cho phù hợp nhất, để cho người thầy cô giáo cũng cảm thấy được tôn trọng và được đánh giá đúng mức.
Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay việc đánh và mắng học sinh trong hoạt động giáo dục là không phù hợp, nhưng việc định lượng mức độ nào là xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học cũng rất khó xác định. Khi cấp quản lý ban hành nhiều luật, với các quy định càng chi tiết, mức tiền phạt tăng cao, thì các thầy cô giáo có thể sẽ phải tìm cách nào đó để giữ bản thân an toàn, tránh vi phạm các quy định. Khi đó, với các học sinh “cá biệt” không biết nghe lời thì hoạt động giáo dục sẽ khó đạt hiệu quả và học sinh chính là người chịu thiệt.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói: “Chúng tôi thấy có rất nhiều vấn đề để khẳng định nó không khả thi. Giáo viên và học sinh là mối quan hệ đặc thù, tình thầy trò thiêng liêng. Quy tắc ứng xử trong ngành, quy tắc ứng xử dành cho giáo viên, dành cho học sinh cũng đã có. Bây giờ chúng ta đưa Nghị định này ra là hành chính hóa một cách rất là cứng nhắc, phản tác dụng và chắc chắn sẽ không khả thi. Thực tế thì khi áp dụng có thể biến tướng vì hiện nay chúng ta cũng chưa có gạch đầu dòng chi tiết thì không rõ là phải lượng hóa đến mức nào thì được gọi là xúc phạm danh dự, đến mức nào thì là xúc phạm về thân thể học sinh”.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng nêu quan điểm, giáo viên có hành vi vi phạm thì cần có các chế tài xử phạt, nhưng phải có những quy định cụ thể về mức độ vi phạm. Môi trường giáo dục có tính đặc thù nên trước khi xử phạt cần có quá trình giáo dục đối với cá nhân vi phạm, tránh để các tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định để hạ uy tín, danh dự nhà giáo: “Việc phạt người ta chịu trách nhiệm hành vi của người ta là rất thỏa đáng, nhưng với nhà trường chúng tôi vẫn đòi hỏi yêu cầu giáo dục. Vì thế trước khi đưa ra các hình phạt này thì trên mục đó là phải làm rõ đã được giáo dục thế nào, người ta vượt qua giới hạn giáo dục của chúng ta hoặc qua quá trình giáo dục rồi thì mới đến việc phạt chứ không phải hễ sai là phạt. Chúng ta vẫn phải giữ được yếu tố giáo dục trong các nhà trường, chứ không biến nhà trường thành đồn công an, viện kiểm sát hết thì rất nguy hiểm”.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi và cách thức thực hiện nếu Nghị định được ban hành. Vì trên thực tế, Nghị định về xử phạt hành chính trong giáo dục đã ra đời từ năm 2013, trong đó có quy định rất rõ những vi phạm đang là vấn đề nhức nhối của giáo dục hiện nay như dạy thêm học thêm tràn lan, tuyển sinh sai quy định, vấn đề xúc phạm nhà giáo, người học... nhưng đến nay những trường hợp vi phạm bị xử lý rất ít. Việc bổ sung thêm các quy định và tăng mức xử phạt bằng tiền trong môi trường giáo dục như dự thảo là quá nặng và dù chưa ban hành chính thức nhưng đã gia tăng áp lực, gây hoang mang, lo lắng cho những giáo viên đứng lớp./
Theo Minh Hường (VOV1)