Đi tìm tiếng đàn ta lư
Những năm chiến tranh chống Mỹ, bộ đội giải phóng theo đường Trường Sơn vào giải phóng miền Nam đã đi qua miền tây Quảng Trị. Ở đây, tiếng đàn ta lư đã để lại trong lòng họ những ký ức đẹp về tấm lòng của người Pa Cô, Vân Kiều. Đó là những giây phút bom đạn tạm lắng, tiếng đàn ta lư từ những chàng trai, cô gái Pa Cô, Vân Kiều lại vang lên tính tang giữa núi rừng như tiếp thêm sức mạnh để đào đường, tải đạn. Hai người trong số đó là nhạc sĩ Huy Thục và nhạc sĩ Phương Nam đã bị "mê hoặc" bởi tiếng đàn này. Hai bài hát Tiếng đàn ta lư và Rừng xanh vang tiếng ta lư đã ra đời như thế. Theo âm vang của hai bài hát này mà tiếng đàn ta lư của người Pa Cô, Vân Kiều đã đi và sống trong lòng người hàng chục năm qua...
Anh Hồ Văn Việt say sưa chế tác đàn ta lư.
Đến bản Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị), chúng tôi được dân bản giới thiệu nghệ nhân Hồ Văn Việt, một trong số rất ít người tâm huyết bảo tồn, phát triển cây đàn ta lư... Trong ngôi nhà sàn xinh xắn, những cây đàn ta lư bằng gỗ đủ kích cỡ từ cây đã hoàn thiện đến cây đang làm dở dang được anh Việt treo cẩn thận trên vách tường. Đam mê với nghề chế tác đàn ta lư của ông nội và bố từ thời tấm bé, anh luôn suy nghĩ làm sao duy trì và phát triển về mặt thẩm mỹ của loại đàn có đặc trưng riêng này một cách phù hợp nhất. Theo anh Việt, đàn ta lư có từ hàng trăm năm trước, gắn bó với cuộc sống tinh thần của người Vân Kiều và Pa Cô. Thời chống Mỹ, sức mạnh cổ vũ tinh thần của loại đàn đã góp sức cùng bà con nơi đây tiếp lương, tải đạn, đi theo cách mạng. Hiện nay, cây đàn được cải tiến to hơn, hình thức đẹp hơn, làm bằng gỗ thay thế cây đàn làm bằng tre nứa như trước đây. Người chơi đàn có thể vừa đánh đàn vừa hát bài hát mình yêu thích. Qua tiếng đàn, người Vân Kiều, Pa Cô có thể tỏ tình cảm buồn, vui với nhau. Tiếng đàn còn để giải trí lúc nghỉ ngơi, ru con, giao duyên, cầu mưa thuận gió hòa, mừng lễ hội...
Anh Việt cho biết, hiện số nghệ nhân còn chú tâm làm đàn ta lư ở Tà Rụt chỉ còn 3 người cao tuổi thường xuyên chế tác đàn là các ông: Mai Hoa Sen, Côn Thay và Côn Máy. Những người trẻ tuổi như anh Việt giờ rất hiếm ai cất công dành thời gian và tâm sức để làm đàn ta lư. "Làm ra một cây đàn ta lư mất khá nhiều thời gian và phải tỉ mẩn từng đường nét sao cho đúng âm thanh của cây đàn truyền thống. Bình quân mỗi tháng nếu dành nhiều thời gian tôi chỉ làm được khoảng 3- 4 cây. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương tiện giải trí hiện đại, lớp trẻ bây giờ ít ai quan tâm học cách làm đàn. Do đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, nên phần lớn số đàn của tôi làm ra chỉ dành để tặng người thân hoặc nếu có ai đặt mua thì làm...", anh Việt buồn buồn nghĩ đến số phận sau này của đàn ta lư.
Năm nay anh Việt đã ngoài 40 tuổi nhưng so với tuổi của các nghệ nhân chế tác đàn ta lư ở Tà Rụt thì anh trẻ nhất. Nếu không có những chính sách động viên kịp thời, có giải pháp duy trì và phát triển "thương hiệu" đàn ta lư thì liệu trong nay mai còn ai chăm chút giữ lấy nghề truyền thống cha ông như anh Hồ Văn Việt. Liệu cây đàn ta lư tiếp tục được duy trì để đi cùng năm tháng như những ca từ đẹp trong bài hát "Tiếng đàn ta lư" (Huy Thục): "Đàn ta lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng mừng thắng trận quê em...".
Theo K.N (cadn.com.vn)