Được mùa nếp bàu Chánh Trạch
“Mấy ngày qua mưa như trút nước, nhưng hơn 50 ha nếp 3 tháng ở vùng bàu Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ - huyện Phù Mỹ) đã gặt hết, nên bà con nông dân trồng nếp ở đây rất mừng, nếu chậm tay một chút thì gặp mưa, thu hoạch rất vất vả, vừa thất thoát, vừa giảm chất lượng nếp” - ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thọ, cho biết.
Năng suất đạt khá
Cũng theo ông Phạm Văn Thọ: Vụ nếp này thời tiết mưa nắng thất thường, sâu bệnh gây hại, nhất là nạn chuột hoành hành trên diện rộng, tưởng là mất mùa, song nhờ bà con tích cực diệt chuột; khi nếp trỗ bông lại gặp thời tiết thuận, nắng nhẹ, nên chắc hạt, năng suất đạt khá cao, ước bình quân hơn 250kg/sào, không thua năm ngoái mà có phần hơn.
Thấp thỏm lo âu, nhưng lại trúng mùa, nông dân Ngô Quang Thừa, ở thôn Chánh Trạch 3, phấn khởi: “Vụ nếp này lúc đầu coi bộ tệ hơn năm ngoái, vậy mà ông trời cho ăn, năng suất ruộng nếp nhà tôi ít nhất cũng hơn 270kg/sào, tăng 20kg/sào so với cùng vụ năm trước, giờ rê sạch, phơi khô rồi, khỏi lo bão lũ”.
Bà Nguyễn Thị Ngà, ở thôn Chánh Trạch 1, bộc bạch: “Vụ này gia đình tui cấy một mẫu nếp. Cây nếp phát triển tốt nhưng bị chuột cắn phá; khi quằn nặng hạt lại gặp gió, ngã nhiều, e năng suất thấp, nhưng lại đạt hơn 250kg/sào. Đó là với những chân ruộng làm một năm hai vụ (một vụ lúa Đông Xuân sớm và một vụ nếp); còn với những chân ruộng chỉ làm một vụ nếp/năm, nếu thâm canh tốt, thời tiết thuận, phải đạt bình quân 300 kg/sào.
Ông Cao Thanh Tuyền, Trưởng thôn Chánh Trạch 1, cho biết: “Toàn thôn có 162 hộ, hơn 92% số hộ trồng nếp, hộ nhiều nhất 10 sào, ít nhất cũng 1 sào. Riêng diện tích trên bàu, thôn Chánh Trạch 1 chiếm hơn 46 ha, trong đó hơn 30 ha dành làm nếp 3 tháng (cấy vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 8 Âm lịch). Nếp cắt về phải suốt và phơi thiệt khô thì để bao lâu cũng được, khi cần dùng hoặc bán mới xay ra, hạt nếp rất dẻo và thơm. Tuy đều là nếp cấy ở bàu Chánh Trạch, nhưng chỉ những diện tích nếp trong bàu mới ngon, thơm hơn so với những diện tích nếp được trồng vùng ven bàu”.
Sản xuất nếp không gieo sạ như lúa mà phải gieo mạ để cấy. Trước khi thu hoạch nếp, phải xem thử dé nào thiệt sai, thiệt dài, mọc dày và chắc hạt thì cắt một phần ngọn đem phơi khô để lại làm giống, đến tháng 3 giải giống trồng mạ. Tròm trèm một tháng có mạ, nhổ mạ cấy kịp thời vụ. Trên chân đất giữa bàu phì nhiêu hơn, cây nếp nở bụi to, được cấy thưa hơn. Những năm gần đây, bà con thâm canh hơn, giống nếp làm mạ bình quân chỉ còn 5 kg/sào, giảm 1 - 2kg/sào so với trước, nhưng năng suất nếp bàu Chánh Trạch vẫn tăng khá.
Nếp ngon, chẳng lo ế
“Giá nếp vỏ thời điểm này khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg, bằng giá năm ngoái, nhưng hầu hết đang được “ghim” hàng, chờ giá lên, nhất là vào đầu tháng Chạp trở đi. Năm ngoái, có thời điểm nếp vỏ tăng lên 20.000 đồng/kg, nếp hạt loại ngon giữa bàu đã vượt qua 30.000 đồng/kg, mà vẫn cháy hàng” – nông dân Nguyễn Thanh Sơn, ở thôn Chánh Trạch 1, chia sẻ.
Anh Sơn cho biết thêm: “Làm nếp tuy tốn công gieo mạ, làm đất kỹ, phải cấy từng rẻ mạ, nhất là lỡ gặp mưa sớm phải gặt trong bùn lầy, nước lũ, rê phơi cũng khó khăn, nhưng làm nếp giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, nên bà con quanh bàu Chánh Trạch không rời xa cây nếp, nhất là trong những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, nhu cầu ẩm thực tăng cao thì diện tích nếp 3 tháng trên bàu gần như không còn chỗ để mở rộng”.
Vụ nếp mới này nông dân Mỹ Thọ đã thu hoạch xong trước mùa bão lũ, năng suất khá cao. Chuyện tiêu thụ thì khỏi lo, khi hạt nếp chưa lên bờ, bà con trong xã, trong huyện đến người quen sinh sống ở TP Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh và cả những cơ sở làm bánh tết lớn trong và ngoài huyện đã đặt hàng với mong muốn mua được nếp bàu Chánh Trạch thiệt, để khỏi nhầm nếp từ nơi khác đưa về rồi gán cho cái tên nếp bàu Chánh Trạch, nên khỏi lo ế...
THANH TRỌN - XUÂN LỘC
Cho tôi hỏi làm sao mua được nếp vỏ 3 tháng số lượng vài tấn? tôi ở Bình Thuận.