Ðừng chủ quan với bệnh tay chân miệng !
Tính đến đầu tháng 10.2018, cả nước có 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. Dù bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam nhưng do nguy hiểm và lây lan nhanh, nên dù chưa có dịch, các cơ quan y tế tỉnh ta vẫn khuyến cáo nên hết sức cảnh giác với căn bệnh này.
Bác sĩ CKII Phạm Châu Duy thăm khám cho em Hồ Thế Lực.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, lây qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng thành dịch lớn. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến nay tỉnh Bình Định có 294 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó, Tây Sơn, Quy Nhơn, Phù Cát là những nơi có số ca mắc bệnh nhiều. Tuy nhiên điểm đáng mừng là nhờ cảnh giác cao, tổ chức phòng bệnh tích cực nên hiện tại chưa có ca bệnh nặng và tử vong.
Bác sĩ CKII Phạm Châu Duy, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh), cho biết: “Ngay tại thời điểm này, Khoa chúng tôi đang điều trị 16 ca mắc bệnh tay chân miệng. Dù không có ca bệnh nào ở mức nguy hiểm nhưng so với năm trước, lượng bệnh nhân đông hơn. Tay chân miệng là bệnh biến chứng rất nhanh, gây nguy hiểm nên bên cạnh việc điều trị theo triệu chứng những ca bệnh cấp độ 2B trở lên chúng tôi sẽ hội chẩn với Khoa Nhi để có thể có cách điều trị phù hợp”.
“Xin lưu ý, tay chân miệng là bệnh dễ lây nhiễm, có nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy ngoài đảm bảo vệ sinh, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe các bé”
Xin lưu ý, tay chân miệng là bệnh dễ lây nhiễm, có nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy ngoài đảm bảo vệ sinh, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe các bé để phát hiện bệnh kịp thời. Mẹ em Hồ Thế Lực (hơn 4 tuổi, ở Tuy Phước, đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh) cho biết, trước đó cháu bị sốt 2 ngày, cứ tưởng là sốt bình thường, có đêm cháu sốt giật mình mơ sảng, vô xét nghiệm cháu mắc tay chân miệng cấp 2B rồi.
Tại Bình Định, những năm qua, tay chân miệng có xu hướng giảm, năm 2011 toàn tỉnh có 1.418 trường hợp mắc tay chân miệng, 2012 tăng lên đột biến với 3.425 trường hợp, sau đó, số ca bệnh này giảm đều hàng năm, đến năm 2013 là 848 trường hợp, năm 2014 là 685 trường hợp… Tuy nhiên, trong 18 trường hợp dương tính với tay chân miệng được xét nghiệm có 5 trường hợp mắc tay chân miệng do vi-rút EV71 gây nên. EV71 là loại vi-rút lây lan nhanh, diễn biến nặng và sốt cao. Trẻ mắc tay chân miệng EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy tim và dễ dẫn đến tử vong.
Theo Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh, ThS. Bùi Ngọc Lân, tuy số trường hợp mắc tay chân miệng so với những năm trước chưa phải là cao nhưng trong tháng 8 và tháng 9 số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và tăng mạnh ở 2 tuần gần đây, rất có thể thời gian tới tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng nên không thể lơ là, đặc biệt nếu EV71 chiếm tỉ lệ lớn thì tình hình dịch bệnh sẽ trở nên trầm trọng.
ThS. Bùi Ngọc Lân cho biết: Bệnh tay chân miệng đang vào mùa nên việc phòng chống phải tập trung kiên trì ở gia đình, cộng đồng, nhà trẻ, cơ quan y tế. Bệnh này thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, có thể dẫn đến các biến chứng của chủng EV71. Qua xét nghiệm, người lớn cũng mang mầm bệnh tay chân miệng tuy nhiên không có biểu hiện lâm sàng, đây cũng có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ. Đặc biệt, bệnh có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác trước khi có dấu hiệu khởi phát và tiếp tục lây sau khi hết triệu chứng từ 3 đến 4 tuần thậm chí là 12 tuần.
Bác sĩ CKII Phạm Châu Duy lưu ý, vi-rút gây bệnh tay chân miệng tương đối bền, có khả năng lây lan rất lớn và chưa có thuốc đặc trị nên cần phát hiện sớm, nếu phát hiện các ca nhiễm tay chân miệng trong trường học thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly điều trị. Phụ huynh nên vệ sinh, rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, vệ sinh đồ chơi, các bề mặt như bàn học, nắm cửa... Nhà trường phòng ngừa bằng cách vệ sinh khử trùng bằng Cloramin B hoặc xà phòng thường xuyên. Người lớn cũng phải vệ sinh trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Ngày 11.9, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè - Thu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế, Sở GD&ÐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành có liên quan… phối hợp chặt chẽ tuyên truyền vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt, xử lý dịch bệnh kịp thời, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống tay chân miệng.
THẢO KHUY