Khởi nghiệp xanh
Ðổi vỏ lon, vỏ chai đã qua sử dụng lấy sản phẩm hữu ích hơn - dự án “khởi nghiệp xanh” của kỹ sư Trần Hữu Huy (giảng viên khoa Ðiện - Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) và cộng sự là điểm thú vị của cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018 diễn ra cuối tháng 9, tại TP Quy Nhơn.
Dự án đã đoạt giải nhì cuộc thi và là dự án duy nhất của tỉnh Bình Định tiếp tục tham gia vòng chung kết cuộc thi quốc gia sẽ tổ chức tại TP Đà Nẵng cuối năm nay.
Kỹ sư Trần Hữu Huy (bìa phải) giới thiệu máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động.
Một dự án hữu ích
Bỏ các vỏ lon, vỏ chai nhựa sau khi sử dụng vào thùng rác thay vì “tiện” tay vứt ra môi trường, gây ô nhiễm - việc tưởng nhỏ mà không nhỏ. Việc thu gom vỏ lon, vỏ chai được thực hiện như thế nào và làm sao để khuyến khích người dân có thói quen đó. Đó là những trăn trở khởi đầu cho ý tưởng sáng tạo “Máy đổi vỏ lon, vỏ chai nhựa tự động” của kỹ sư Trần Hữu Huy.
Máy được thiết kế, chế tạo và sử dụng những vật tư, vật liệu thân thiện với môi trường, giá thành rẻ, chi phí vận hành, bảo trì, sửa chữa thấp, góp phần tiết kiệm kinh phí đầu tư thiết bị, nên mang lại hiệu quả đáng kể. Máy sẽ thực hiện thu nhận và phân loại tự động thành hai loại vỏ lon nhôm và vỏ chai nhựa, sau đó đếm số lượng và đổi lại cho khách hàng một sản phẩm hữu ích tương ứng được lập trình theo nhu cầu.
Không giới hạn trong môi trường du lịch, khách hàng của thiết kế này là các khu du lịch; các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường; các trường phổ thông, cao đẳng, đại học… “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi qua sáng tạo này là giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Việc thu gom và quy đổi vật phế thải sang các sản phẩm hữu ích khuyến khích người dân và khách du lịch tạo thành thói quen, từ đó thay đổi tư duy và nâng cao ý thức vì cộng đồng”, kỹ sư Huy cho hay.
Đến nay, Huy và cộng sự đã lắp đặt máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động tại khoa Điện (Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) và liên kết với Đoàn Thanh niên để tham gia các cuộc thi, triển lãm nhằm tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường. Thời gian tới, máy sẽ được phát triển để nhận diện nhiều loại vật liệu hơn, kích cỡ của vật liệu; đồng thời sử dụng năng lượng mặt trời, ép các vỏ lon, vỏ chai để tiết kiệm thể tích chứa. Ngoài ra, có thể trả tiền trực tiếp hoặc in ra phiếu ghi nhận số lượng vỏ lon, vỏ chai cho khách hàng và họ có thể dùng phiếu này đổi lấy tiền ở các cửa hàng gần đó.
Đặc biệt, Huy cho biết, trong tháng 10 này, những chiếc máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động mang tên “máy làm kế hoạch nhỏ” sẽ được lắp đặt thí điểm ở một số trường tiểu học. Các em có thể làm kế hoạch nhỏ một cách rất ý nghĩa là đem các vỏ lon, vỏ chai từ nhà, hoặc nhặt từ nơi công cộng, trong lớp, trong trường để bỏ vào máy. Đồng thời, các em còn học được rất nhiều bài học từ máy, biết nhiều câu khẩu hiệu hành động vì môi trường, giáo dục ý thức vì cộng đồng cho các em.
“Khởi nghiệp xanh”
Huy bảo “sống đam mê, cuộc đời tỏa sáng” là quan điểm sống của mình; còn mọi người vẫn quen gọi anh là “cây sáng tạo”. Dạy thực hành bộ môn tự động hóa, chàng kỹ sư sinh năm 1987, quê ở xã Phước Thành - huyện Tuy Phước, Huy quan niệm mình có làm được thì mới có thể “cầm tay chỉ việc” được cho học sinh, nên phải tự rèn luyện rất nhiều.
Điều đó cũng được khẳng định khi Huy là gương mặt trẻ sở hữu bộ sưu tập nhiều giải thưởng sáng tạo cá nhân, cũng như khi hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi kỹ thuật, thi tay nghề quốc gia. Đồng thời, anh cũng được Tổng cục Dạy nghề và nhà trường cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn và tiếp nhận chương trình cơ điện tử chuẩn nghề quốc tế tại Úc và hiện đang đảm nhận giảng dạy lớp nghề trọng điểm quốc tế tại trường.
Tuy vậy, với khởi nghiệp sáng tạo, Huy cho biết chiếc máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018 là lần tập dượt đầu tiên. “Ngoài cái khó về công nghệ chế tạo máy làm sao để nhận diện từng loại vật liệu để phân loại cho chính xác, ý tưởng khởi nghiệp bằng máy đổi vỏ lon, vỏ chai nhựa của Huy cũng vấp phải nhiều sự nghi ngờ về kinh phí “nuôi” máy và lợi nhuận đem lại. Chú trọng yếu tố lợi ích môi trường hơn là đặt nặng lợi nhuận, nên chúng tôi sẽ liên kết với các tổ chức vì môi trường để các sản phẩm đổi cho khách hàng giá trị hơn và mẫu mã sản phẩm phù hợp với tuyên truyền môi trường”, Huy chia sẻ.
“Cuộc thi quốc gia sẽ có nhiều tổ chức, DN trong và ngài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham gia cuộc thi này, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều tổ chức, DN để tìm kiếm đầu tư cho sản phẩm. Hơn hết, đây cũng là nơi để chúng tôi khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng phát triển ở các tỉnh như Bình Ðịnh, chứ không chỉ mạnh ở các thành phố lớn”.
Kỹ sư TRẦN HỮU HUY
MAI HOÀNG