Sửa đổi bất cập của Luật BHYT
Kể từ khi có hiệu lực (đầu năm 2015) đến nay, thực tiễn thi hành Luật BHYT đã bộc lộ nhiều khó khăn lẫn bất cập cần điều chỉnh.
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông để đảm bảo tính bền vững của tỉ lệ dân số tham gia BHYT.
- Trong ảnh: Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT do BHXH và Hội LHPN TP Quy Nhơn tổ chức.
Chưa hết khó
Từ năm 2015 đến nay, tỉ lệ dân số tham gia BHYT của Bình Định luôn vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tuy nhiên, trong cơ cấu thành phần, vẫn còn nhiều nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia không đạt yêu cầu trong thời gian dài. Đáng chú ý, đối tượng học sinh, sinh viên mới đạt 94,8%; đặc biệt sinh viên ở các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề mới tham gia 64%. “Nguyên nhân chính là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý giáo dục và hiệu trưởng các nhà trường, nhất là ở bậc ĐH, CĐ”, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Mai nhận định.
Thêm vào đó, công tác truyền thông chính sách pháp luật BHYT ở cơ sở còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHYT. Khả năng tuyên truyền, vận động của một số đại lý thu chưa đạt yêu cầu nên chưa thu hút được người dân; công tác khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHYT chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó là không ít khó khăn từ khách quan cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT lẫn cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đến cuối năm sau cơ quan BHXH mới thanh quyết toán hết chi phí KCB BHYT của năm trước, đặc biệt là chi phí vượt quỹ, vượt trần. “Điều này gây khó khăn cho cơ sở KCB, trong khi vẫn phải thực hiện chi trả lương hàng tháng và chi trả tiền mua thuốc, vật tư y tế cho cơ sở cung ứng theo quy định của hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư y tế”, lãnh đạo một cơ sở KCB cho hay.
Theo quy định của Luật BHYT, cơ quan BHXH có quyền chấm dứt hợp đồng khi cơ sở KCB BHYT có “vấn đề”. Thế nhưng, lúc cơ sở KCB có khó khăn, vướng mắc xuất phát từ phía BHXH thì vẫn phải tổ chức cung ứng dịch vụ KCB cho người dân, trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các cơ sở KCB. Điều đó chưa thể hiện tính công bằng trong thực hiện hợp đồng.
Chồng chéo, bất cập
Đáng lo ngại là quy định pháp luật về BHYT còn nhiều bất cập, đặc biệt là mâu thuẫn giữa khả năng cân đối của quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, giữa khả năng cân đối của quỹ BHYT với giá dịch vụ y tế. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam không thống nhất, gây khó khăn khi thực hiện ở địa phương, đặc biệt là các hướng dẫn về thanh toán chi phí KCB BHYT.
Liên quan đến lĩnh vực này, trong thời gian qua, khi thực hiện hợp đồng KCB BHYT và các quy định khác, BHXH tỉnh đã giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB. Tuy nhiên, sau đó BHXH Việt Nam có nhiều văn bản chỉ đạo, hoặc tổ chức đoàn kiểm tra lại, xuất toán ngược nhiều loại chi phí, làm ảnh hưởng đến hoạt động cũng như nguồn kinh phí của các cơ sở KCB. Điều này cũng thể hiện tính thiếu nhất quán trong hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành công tác KCB BHYT.
Công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT cũng bộc lộ nhiều bất cập. Các cơ sở KCB không quản lý được chi phí KCB đa tuyến đi, đặc biệt là trong thực tế triển khai KCB thông tuyến, vượt tuyến và trái tuyến. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, cần giao dự toán chi KCB BHYT, bãi bỏ việc giao quỹ, giao “trần” cho cơ sở KCB.
“Khi điều chỉnh giá dịch vụ KCB BHYT, cần kịp thời điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế đối với đối tượng không có thẻ BHYT để tỉnh có cơ sở ban hành giá dịch vụ KCB đối với đối tượng này. Từ đó, đồng bộ về giá giữa 2 nhóm đối tượng, không để tình trạng 1 cơ sở y tế có 2 mức giá khác nhau với cùng 1 dịch vụ”, ông Hùng nói thêm.
Cần có cơ quan giám định BHYT độc lập
“Hiện nay, lượng giám định viên của BHXH tỉnh còn mỏng, toàn tỉnh có 41 người/33 cơ sở KCB BHYT; thiếu bác sĩ (chỉ có 3 bác sĩ, trong đó 2 người làm lãnh đạo, quản lý). Với tình hình phát triển của KHKT y học hiện nay thì năng lực chuyên môn của giám định viên như hiện có là chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giám định. Ðề nghị cần có cơ quan giám định BHYT độc lập, đủ năng lực chuyên môn để thực hiện việc giám định KCB BHYT”.
Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MAI
MAI LÂM