Tình trạng thiếu giáo viên mầm non: Mong sớm được “gỡ khó”
Tình trạng thiếu hàng trăm giáo viên mầm non hiện tại đang tạo ra quá nhiều áp lực lên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các nhà trường, khiến không ít phụ huynh lo lắng về nguy cơ xảy ra tình trạng bạo hành ở trường lớp. Phải giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non là chuyện rất cấp thiết.
Dù được UBND huyện “bật đèn xanh” cho phép hợp đồng thêm giáo viên mầm non nhưng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn vẫn không tìm được người.
- Trong ảnh: Cô và trẻ Trường Mẫu giáo Tây Giang, huyện Tây Sơn.
Đầu năm 2018 - 2019, ban giám hiệu nhiều trường mẫu giáo, mầm non đã “choáng váng” (chữ dùng của nhiều hiệu trưởng) khi nhận chỉ đạo từ cấp trên không được hợp đồng giáo viên đứng lớp. Theo đó, không chỉ không được ký hợp đồng để bù số giáo viên đang thiếu mà cả số giáo viên đang dạy hợp đồng tại trường lâu nay cũng buộc phải chấm dứt hợp đồng. Điều này khiến cho việc thiếu giáo viên càng thêm trầm trọng, lan rộng.
Lý giải về việc này, ông Võ Ngọc Sỹ, Trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở GD&ĐT) giải thích: Văn bản số 6075/UBND-NC của UBND tỉnh ngày 22.12.2015 về việc tăng cường quản lý công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh quy định: Hàng năm, ngành GD&ĐT phải kiểm tra, rà soát để thực hiện việc tuyển dụng. Nếu thiếu nhiều giáo viên, bắt buộc phải hợp đồng thì phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện xin ý kiến của UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ, chứ tuyệt đối không được tự ý hợp đồng. Bởi vậy, trước thực trạng thiếu nhiều giáo viên mầm non đầu năm học này, các phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện xin tuyển thêm và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh!
Tại các trường mẫu giáo, mầm non, kể từ ngày khai giảng đến nay, mọi hoạt động vẫn phải diễn ra đều đặn mỗi ngày, tất nhiên trong tình trạng quá tải thường xuyên. Để chia sẻ khó khăn với các trường hợp 1 giáo viên phụ trách 1 lớp bán trú, Phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ đã quyết định chi trả tiền trực trưa và làm thêm giờ. Dù vậy biện pháp này vẫn là giải pháp tình thế nhất thời bởi sức người có hạn.
Một số huyện khác linh động để phòng GD&ĐT ký hợp đồng giáo viên mầm non dạy theo …tiết học. Tuy nhiên, loại hợp đồng lao động như vậy gần như không thu hút được người làm. Ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, chia sẻ: Giáo viên mầm non là công việc nhiều áp lực, đã không ổn định mà thu nhập còn thấp như vậy thì cả sinh viên mới ra trường cũng không màng!
Không ít người cho rằng, nguyên nhân chính của việc thiếu quá nhiều giáo viên như hiện nay là do việc có nhiều lớp bán trú. Thế nhưng, tổ chức dạy bán trú là việc Nhà nước động viên, khuyến khích, phải sau nhiều năm vận động, đầu tư nay mới có thể mở rộng. Sự thiếu đồng bộ này là do đâu? Bà Lương Thị Xuân Tâm, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), xác nhận: Những năm gần đây, ngành giáo dục đẩy mạnh thực hiện việc dạy bán trú. Việc này còn nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của Đảng - Nhà nước toàn bộ trẻ 5 tuổi đều được học lớp mầm non, đồng thời thu hút trẻ ở các độ tuổi khác ra lớp. Nhưng chuyện tuyển dụng giáo viên không do ngành GD&ĐT đảm trách!
Rõ ràng, trong vấn đề này đang có độ vênh nhất định trong chính sách của ngành GD&ĐT và ngành Nội vụ. Hệ lụy là cấp học mầm non bị mắc kẹt. Trước thực trạng khó khăn của các trường mầm non, nhiều hiệu trưởng đề nghị UBND tỉnh sớm có ý kiến chỉ đạo việc giải quyết toàn diện, dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên để các trường hoạt động ổn định, tránh việc khiến các cháu bé bị thiệt thòi.
NGỌC TÚ