Dư luận quốc tế ca ngợi sự nhạy bén của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
"Phát triển chậm đồng nghĩa với nghèo đói. Nhưng nếu cải cách nhanh quá thì chúng tôi sẽ có thể mắc phải nhiều sai lầm. Tôi muốn thấy được một sự phát triển hiệu quả và ổn định", New York Times trích dẫn lời của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, khi tờ này nhắc lại vai trò to lớn của ông trong quá trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam sau chiến tranh.
Đồng chí Đỗ Mười trả lời phỏng vấn báo chí khi tái đắc cử vị trí Tổng Bí thư năm 1996.
Tờ New York Times và TelesurTV gọi sự ra đi của đồng chí Đỗ Mười là một mất mát to lớn đối với dân tộc Việt Nam. "Sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền Bắc của Việt Nam, từ một họa sĩ với lòng yêu nước, ngài Đỗ Mười đã trở thành một trong những chiến binh vì tự do và phát triển có ảnh hưởng nhất trong lịch sử của quốc gia. Ông chính là một vị Anh hùng Cách mạng”, TelesurTV viết.
Trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản vào năm 1939, đến năm 1991 thì ông đắc cử vị trí Tổng Bí thư trong kỳ đại hội Đảng VII. Đồng chí Đỗ Mười chia sẻ với các nhà báo nước ngoài về định hướng lãnh đạo của mình rằng: "Phát triển chậm đồng nghĩa với nghèo đói. Nhưng nếu cải cách nhanh quá thì chúng tôi sẽ có thể mắc phải nhiều sai lầm. Tôi muốn thấy được một sự phát triển hiệu quả và ổn định”.
Nhấn mạnh về vai trò to lớn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, tờ New York Times nhắc lại, ngài Đỗ Mười giữ chức Tổng Bí thư trong thời kỳ Việt Nam đang tiến hành thúc đẩy quá trình tự do hóa nền kinh tế. Ở thời kỳ này, Việt Nam đã mở cửa thị trường và khuyến khích tự do kinh doanh, trong khi duy trì sự lãnh đạo của đảng đối với các vấn đề kinh tế và chính trị.
Ngoài ra, cũng chính tại thời điểm khó khăn ấy, khi 80% trong số 75 triệu người Việt Nam vẫn còn sống trong cảnh nghèo đói, ngài Đỗ Mười đã đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng. "Tham nhũng là một căn bệnh và chỉ người dân mới có thể chữa trị được. Tội này cần bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí tử hình, bất kể người đó giữ vị trí nào”, tờ báo dẫn lại lời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Sự nhạy bén trong việc củng cố vị thế quốc gia
Không những chỉ đề cập đến vai trò lãnh đạo sáng suốt của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong thời kỳ cải cách, tờ Financial Times của Anh còn ca ngợi sự nhạy bén của ông trong việc củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam tới thăm các quốc gia phương Tây. Vào năm 1995, ông đã có chuyến thăm đầu tiên tới Australia và New Zealand ở tuổi 78. Trong thời gian tại nhiệm, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng chính là người thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã nhắc lại vấn đề này trong lời chia buồn về việc ra đi của đồng chí Đỗ Mười. "Chính trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông, Việt Nam và Mỹ đã có thể đề cập đến lịch sử chung của chúng ta một cách cởi mở, thúc đẩy tiến trình hòa giải, và thiết lập quan hệ song phương chính thức vào năm 1995. Từ di sản này, chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta đã phát triển mối quan hệ đối tác và hữu nghị sâu sắc mà hai quốc gia đang có"- Tuyên bố của Đại sứ Kritenbrink nêu rõ.
Hơn nữa, trải qua hai nhiệm kỳ liên tiếp đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư (1991-1997), Việt Nam đã đạt được những dấu mốc lịch sử có ý nghĩa chiến lược sống còn như: Gia nhập ASEAN, ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện với Liên minh Châu Âu (EU), bắt đầu đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) giữa Việt Nam và Mỹ.
Đồng chí Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2.2.1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đồng chí từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1.10.2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Theo CAND