Làng quê Đông Mỹ sẵn sàng cho Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Dẫu biết ông đã ở tuổi đại thọ, sự ra đi là không thể tránh khỏi, nhưng người dân xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn ngậm ngùi tiếc thương khi nghe tin ông từ trần. Ngay từ đầu đường Đông Mỹ dẫn vào ngôi nhà cấp 4 của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhiều người dân ngồi trò chuyện, chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của ông.
Ngôi nhà nơi đồng chí Đỗ Mười sinh ra và lớn lên đang được chuẩn bị cho Lễ an táng
Tiếc thương!
Chúng tôi về xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội (nơi chôn nhau cắt rốn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười) giữa cái trưa nắng cuối thu Hà Nội, chứng kiến cuộc sống người dân nơi đây dường như chậm lại khi biết tin người con ưu tú của làng Đông Mỹ vừa từ trần.
Dưới bóng mát cây đa trước cổng UBND xã Đông Mỹ do Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng vào tháng 2.1996, một số cựu chiến binh của xã ngồi tâm sự, nói về công lao của ông Đỗ Mười - người con làng Đông Mỹ. Ông Phạm Thuẫn, người thôn 1, xã Đông Mỹ bày tỏ: “Chúng tôi thành kính, kính cẩn trước cụ, một con người mẫu mực, đạo đức, thương dân, cả cuộc đời trong sáng dành sự ấm no cho người dân. Chúng tôi rất cảm kích những công lao mà cụ đã dành cho người dân”.
Với ông Nguyễn Huy Khôi, cựu chiến binh, sống tại thôn 1, những lời chỉ bảo, lời dặn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười mỗi lần về thăm quê không thể nào quên. Ông chia sẻ, tranh thủ lần nào về thăm quê, bác Mười cũng hỏi thăm đời sống nhân dân địa phương, có được ăn no, mặc ấm không, các cháu học sinh có được đến trường đầy đủ không.
Ông Khôi vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây đã lâu, thời còn bao cấp, ông và một số người dân trong thôn lên nói với cháu ruột cố Tổng Bí thư là ông Nguyễn Duy Yên để “xin” hỗ trợ mua ngói về lợp nhà, vì thời gian đó người dân rất nghèo. Lúc đó, ông Nguyễn Duy Yên có trình bày nguyện vọng với Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc này thì bác Mười nói lại rằng, quê ta đẹp như thế, rơm rạ nhiều, tại sao không lấy chính thứ đó lợp nhà, vừa đẹp, vừa mát, tiền còn dùng vào nhiều việc cho người dân khó khăn hơn.
Người dân xã Đông Mỹ vẫn truyền tai nhau câu chuyện về chủ trương làm đường liên huyện, nhân dân rất muốn mở rộng trục đường Đông Mỹ, nhưng lúc ấy Tổng Bí thư Đỗ Mười nhất quyết không đồng ý, vì tiền phần mở rộng đường sẽ làm được nhiều việc khác giúp dân nghèo.
Đến ngôi nhà cấp 4, đồng chí Đỗ Mười sinh ra và lớn lên, ghi nhận của phóng viên, các công việc chuẩn bị cho lễ an táng đã cơ bản hoàn tất. Con cháu cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đông đủ.
Bà Lê Ngọc Châm là cháu ruột cố Tổng Bí thư Đỗ Mười bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm xưa, mỗi lần về thăm nhà, Tổng Bí thư Đỗ Mười đều dặn bà phải học hành chăm chỉ; những dịp tết đến, bà là một trong những người đầu tiên được Tổng Bí thư lì xì.
Phát huy truyền thống xã anh hùng
Chiều ngày 4.10, cơ bản các phần việc chuẩn bị cho lễ an táng đã xong. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, xã cần bố trí thêm các đoạn đường rộng hơn để dẫn vào khu mộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến thăm viếng. Đầu giờ chiều cùng ngày, công tác san lấp mặt đường được tiến hành, các đơn vị quân đội được lệnh chạy thử xe Linh xa trên đoạn đường dẫn vào khu mộ, tất cả các công đoạn cuối giờ chiều đã hoàn thành.
Ông Lê Tiến Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ, bày tỏ, với những đóng góp, công lao mà bác Đỗ Mười cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, cho người dân xã Đông Mỹ, nhân dân luôn luôn ghi nhớ và dành tình cảm đặc biệt.
“Bác Mười là con người trung kiên, luôn luôn quan tâm đến đời sống, tinh thần nhân dân xã Đông Mỹ. Với vai trò là cá nhân và lãnh đạo xã, tôi và bà con xã Đông Mỹ luôn luôn có tình cảm đặc biệt sâu sắc với bác. Trước đây khi ở cương vị là Tổng Bí thư, mặc dù bận trăm công ngàn việc, bác vẫn dành thời gian về quê để thăm hỏi các cụ đảng viên lão thành, bà con làng xóm, với những gia đình có công với nước, gia đình thương binh liệt sĩ" - ông Minh nói.
Ông Minh không bao giờ quên lời căn dặn của Tổng Bí thư Đỗ Mười những lần về thăm quê với cán bộ xã Đông Mỹ: “Là cán bộ phải lo cho dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lo cho đời sống của nhân dân. Có như vậy nhân dân mới tin đội ngũ cán bộ. Xã ta là xã có truyền thống cách mạng, xã 2 lần anh hùng. Anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, là xã có công với nước, là xã của ông Mười thì cán bộ phải giữ cho trọn vẹn, phát huy được truyền thống anh hùng đó”.....
Theo ĐỖ TRUNG - HUY DŨNG (SGGP)