Kỹ thuật tiêm Botulinum toxine A: Hy vọng của bệnh nhân co cứng cơ
Co cơ là biểu hiện thường gặp của các tổn thương thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, là nguyên nhân chính gây co rút biến dạng, tàn tật. Từ ngày 24 đến 28.9, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã tiếp nhận kỹ thuật tiêm Botulinum toxine A do Bệnh viện Ðiều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương chuyển giao. Ðiều này đã thật sự mở ra nhiều hy vọng cho những bệnh co cứng cơ.
ThS Lê Huy Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương hướng dẫn lâm sàng tại lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiêm Botulinum toxine A.
Theo BS CKI. Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh, hầu hết các bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống… đều vướng phải tình trạng co cứng cơ, co rút chi. Hiện tượng phổ biến này hạn chế khả năng tự chăm sóc, sinh hoạt; ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, điều trị PHCN, quá trình co rút làm biến dạng, gây mất chức năng và khuyết tật diễn ra nhanh hơn. Xuất phát từ nhu cầu rất lớn của người bệnh, trong khi trên địa bàn tỉnh và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa tỉnh thành nào triển khai được kỹ thuật cần thiết này, Bệnh viện nỗ lực liên hệ với tuyến trung ương để được chuyển giao kỹ thuật hầu đáp ứng tối đa nhu cầu bệnh nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn sâu của chúng tôi - PHCN.
Như đã nói, từ ngày 24 đến 28.9, tại Bệnh viện PHCN tỉnh, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương đã chuyển giao kỹ thuật tiêm Botulinum toxine A cho 22 bác sĩ, điều dưỡng (có 10 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện PHCN tham gia). Ngay trong những ngày tập huấn, khả năng tiếp thu, thực hiện của các bác sĩ, điều dưỡng tham gia nhận chuyển giao kỹ thuật đã được đánh giá cao và tất cả đều được cấp chứng chỉ.
Trong phục hồi chức năng giai đoạn liệt cứng, giải quyết tình trạng co cứng là bước quan trọng không thể thiếu trước khi luyện tập phục hồi vận động cho bệnh nhân. Nếu điều trị bằng đường uống có nhiều hạn chế như dùng lâu dài làm giảm tác dụng thuốc, tác dụng phụ… thì tiêm Botulinum toxine A có ưu điểm như đơn giản, không mất cảm giác da và dị cảm… Theo các bác sĩ, trung bình mỗi đợt tiêm Botulinum toxine A cách nhau 8 tháng. Trong thời gian đó, bệnh nhân sẽ luyện tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
BS CKI. Đặng Văn Lộc, Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết: “Tiêm Botulinum toxine A đã được thực hiện ở nhiều bệnh viện, trung tâm PHCN tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương… đem lại hiệu quả khả quan cho người bệnh. Tiêm trực tiếp Botulinum toxine A vào trong cơ co cứng có thể làm giảm co cứng một cách chọn lọc, làm yếu và giảm trương lực các cơ vân, không gây tổn thương, chết các tế bào thần kinh vận động”.
Chị Châu Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết: “Sau khi tiêm, chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ bệnh nhân, các cơ mềm hơn giúp cho quá trình luyện tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cũng tốt hơn”.
“Tôi bị tai biến liệt bên trái 2 năm rồi, bác sĩ tiêm các cơ tay trái 6 mũi, ở chân trái 2 mũi, sau khi tiêm tầm 2 đến 3 ngày tôi thấy các cơ mềm ra, sau đó kết hợp với luyện tập, các ngón tay dần có thể kéo dãn ra được còn chân thì cử động được, tiến triển khá hơn. Trước khi tiêm tôi cũng lo lắng lắm, giờ thì tôi thấy rất tốt, tôi mong đợt sau tiếp tục có cơ hội thực hiện kỹ thuật này để tôi có thể sinh hoạt dễ dàng” - cô Lê Thị Ánh Tuyết (54 tuổi, TP Quy Nhơn) vui mừng chia sẻ.
Ông Võ Ngọc Phải cho biết thêm, Bệnh viện PHCN tỉnh đã tiêm miễn phí cho 17 bệnh nhân tại Bệnh viện từ nguồn kinh phí chuyển giao kỹ thuật của Bộ Y tế, hiện tại chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để trình Sở Y tế đưa tiêm Botulinum toxine A vào danh mục kỹ thuật và xin đưa thuốc vào thanh toán BHYT.
THẢO KHUY